Thầy cô vùng cao vào năm học sớm

Đức Trí | 13/08/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đầu tháng 8, giáo viên các trường vùng cao đã trở lại trường để chuẩn bị cho năm học mới với hàng loạt công việc từ tu sửa, vệ sinh trường lớp, vận động học sinh, củng cố kiến thức... Tất cả đều nỗ lực cho năm học mới với nhiều thành tựu.

Tựu trường sớm

Với cô Hoàng Thị Thủy, quê huyện Yên Bình (Yên Bái) đang công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), mùa hè trôi qua khá nhanh. “Được nghỉ hè từ 31/5, em về thăm gia đình vài ngày rồi mau chóng trở lại trường để chuẩn bị cho học sinh tham gia Cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lào Cai diễn ra gần cuối tháng 7. Sang đầu tháng 8, giáo viên phải trả phép, trở lại trường chuẩn bị năm học mới nên em ở lại trường luôn…”, cô Thủy chia sẻ.

Theo cô Thủy, như mọi năm, sau khi trả phép giáo viên toàn trường sẽ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, tiếp đó cùng vệ sinh dọn dẹp, tu sửa tường rào, sơn lại hệ thống tranh tường, cầu thang và lớp học, trồng hoa cây cảnh… Trường, lớp sẽ được “khoác áo mới” trước khi học sinh trở lại. Khi học sinh tựu trường, giáo viên tiếp tục tiến hành ôn lại nền nếp, củng cố kiến thức cũ, sau khai giảng sẽ học kiến thức mới.

Cô Thủy cũng cho biết thêm, những năm gần đây ý thức và sự quan tâm đến giáo dục của người dân được nâng lên đáng kể. Do đó, nhà trường chỉ cần thông báo lịch tập trung học sinh qua trưởng thôn xóm thì các gia đình đưa con đi tựu trường đông đủ. Song với một số gia đình nhà xa (cách trường 10 km), điều kiện để tiếp nhận thông tin hạn chế, giáo viên vẫn phải làm công tác rà soát, xuống tận nơi để nhắc lịch tựu trường, khai giảng...

“Sau bồi dưỡng sách giáo khoa khoảng 10 ngày, giáo viên toàn trường bước vào tu sửa, vệ sinh trường lớp. Có lịch tựu trường, hầu hết giáo viên sẽ dành ít nhất 3 ngày để đến từng nhà đón học sinh. Với trường hợp có ý định trốn, bỏ học… giáo viên phải đến tận nhà để vận động, thuyết phục. Thậm chí nhiều trò “cứng đầu”, thầy cô vẫn phải “cưỡng chế” đi học…

Với gần 30 học sinh/lớp đến từ 7 bản, nếu giáo viên không trả phép đúng lịch để bắt tay làm công tác vận động, đón học sinh… thì khó đạt được tỷ lệ 100% trở lại trường lớp đúng thời gian quy định. Thậm chí, vào năm học nhưng học sinh vẫn chưa tới trường khiến thầy cô vừa dạy học vừa tranh thủ ngày nghỉ, các buổi ít tiết phải đến tận nhà vận động cha mẹ, “kéo” học trò lên xe đưa tới trường…”, cô Khuyên cho biết.

Ngày 1/8, giáo viên mới trả phép, song do đường từ quê (Đoan Hùng, Phú Thọ) lên trường xa, đi lại khó khăn nên cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) chủ động đến trường sớm 1 tuần để sẵn sàng sức khỏe, tâm thế tham gia các hoạt động chuẩn bị năm học mới.

Tại Trường PTDTBT THCS Khau Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái), nhiều năm gần đây không còn tình trạng học sinh bỏ - trốn học sau nghỉ hè. Tuy vậy, một vài trường hợp cá biệt đến trường vài hôm lại nghỉ, giáo viên phải gọi điện nhắc nhở, can thiệp để gia đình đốc thúc trò đi học lại.

Chia sẻ thông tin trên, thầy Hà Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khau Mang, đồng thời trao đổi: Để đảm bảo học trò trở lại trường lớp đạt tỷ lệ 100% vào ngày tựu trường và khai giảng, ban giám hiệu luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên hệ trước với gia đình, địa phương nơi học sinh cư trú để động viên, nhắc nhở. Mặt khác, đẩy mạnh ưu thế của công nghệ thông tin trong việc thông báo lịch tựu trường trên nhóm Zalo và website trường. Phụ huynh nào không liên lạc được hoặc chậm hồi đáp… giáo viên có trách nhiệm tìm hiểu và trực tiếp tới nhà vận động.

Thầy cô vùng cao vào năm học sớm ảnh 1

Thầy cô cùng phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai) tu sửa trường lớp trước khai giảng. Ảnh: NVCC

Tạo “điểm tựa” cho năm học mới

Cô Hoàng Thị Thủy, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), chia sẻ: Hơn 80% giáo viên của trường đến từ các địa phương khác. Nhưng hàng năm, trước ngày trả phép 5 - 7 ngày, họ đã tề tựu đầy đủ. Năm nay, từ giữa tháng 7 đã có gần 10 giáo viên trở lại địa phương để sẵn sàng cho công tác chuẩn bị đón năm học mới. Giáo dục vùng cao với đặc thù riêng nên hầu hết giáo viên nghỉ hè không trọn vẹn. Thầy cô đã quen với điều đó và yên tâm công tác.

Tương tự, theo cô Bùi Thị Minh Khuyên, Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu), với nhiều trường học vùng cao, học sinh dân tộc là chủ yếu… để hoạt động giáo dục thông suốt, nâng cao chất lượng thì giáo viên phải không ngừng nâng cao kiến thức đáp ứng yêu cầu công việc mà luôn xác định, chủ động tâm thế “tìm”, “kéo” trò tới lớp. Bởi “không có học sinh thì giáo viên dạy ai? Mặt khác, tỷ lệ chuyên cần giảm, kéo theo chất lượng giảm sút, khó hoàn thành mục tiêu chất lượng”, cô Khuyên chia sẻ.

Cô Đinh Loan Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Nghĩa Thuận, Hà Giang), trao đổi: Để năm học mới diễn ra suôn sẻ, công tác chuẩn bị trong thời gian tựu trường và trước khai giảng được xem như nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi ban giám hiệu, giáo viên tận tâm, đặt học trò làm trung tâm để nỗ lực hành động.

“Thầy cô, nhà trường càng chuẩn bị kỹ càng bao nhiêu (từ vệ sinh trường lớp, củng cố kiến thức, vận động đi học, chuẩn bị sẵn sàng lương thực thực phẩm…) thì học trò bước vào năm học mới với tâm thế vững vàng bấy nhiêu. Thành quả chỉ có được khi người thầy luôn sẵn sàng, chủ động và hết lòng vì học trò”, cô Vân nhấn mạnh.

Cô Phạm Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang), cũng cho biết: “100 học sinh dân tộc, tiếp thu hạn chế, thiếu chủ động, điều kiện học tập khó khăn, mặt khác, sau 1 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chất lượng giáo dục ảnh hưởng... thì sau tựu trường, ban giám hiệu sẽ đẩy mạnh việc củng cố kiến thức cho học trò. Trường hợp cần thiết có thể sẽ “cắt” thêm 1 tuần sau khai giảng để ổn định nền nếp, tăng cường kiến thức cũ. Càng đảm bảo cho học sinh kiến thức cũ bao nhiêu thì nền tảng bước vào năm học mới càng vững chắc bấy nhiêu...”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô vùng cao vào năm học sớm