Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo

Thế Lượng | 29/04/2023, 16:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để giúp học trò nghèo, thầy cô giáo ở vùng cao, biên giới của Thanh Hóa, Nghệ An đã nỗ lực chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các em.

Giáo dục (GD) ở các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm bằng nhiều chế độ, chính sách đặc thù. Nhờ đó, không có HS nào vì khó khăn mà không được đi học.

Tuy nhiên, từ chính sách đi vào thực tế giáo dục, dạy học, chăm sóc, quản lý HS còn nhiều vất vả, vướng mắc đòi hỏi sự linh hoạt của từng nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên (GV).

Bên cạnh đó, hiện nhiều xã, thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, ra khỏi khu vực 3 - vùng đặc biệt khó khăn. Việc các địa phương “thoát nghèo” kéo theo nhiều chính sách, chế độ trợ cấp cho HS, GV, trường học cũng bị cắt giảm.

Để giúp đỡ học trò nghèo ở vùng khó, bằng tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu thương của mình các thầy cô đã tạo môi trường GD tốt đẹp, phù hợp cho HS. Không chỉ “nâng bước” các em về vật chất, trong công tác dạy học, cung cấp kiến thức môn văn hóa mà còn nhiều giá trị tinh thần khác.

Khôi phục bán trú ở điểm trường

Để giúp học trò có bữa cơm, giấc ngủ tại những điểm trường khó khăn, các thầy cô đã vận dụng mối quan hệ của mình để kêu gọi từ nguồn xã hội hóa.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 1

Thầy Lê Văn Sức cùng các cô giáo và học trò ở điểm trường Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Thầy Lê Văn Sức, điểm trường Tân Sơn, Trường Tiểu học Thanh Xuân (Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa), cho biết: Điểm trường Tân Sơn nằm ở độ cao trung bình khoảng 800m so với mực nước biển, nên mùa đông lạnh hơn so với các bản khác trong cùng địa bàn khoảng 2 – 3 0C. Điểm trường này cách điểm trường trung tâm khoảng 4,4 km và có 52 HS, 5 thầy, cô giáo.

Bản Tân Sơn có 147 hộ, 632 khẩu,100% đồng bào là người dân tộc Thái, Mường. Trong số 51 HS, thì có đến 40 em thuộc hộ nghèo và cận nghèo, chỉ có 2 em thuộc gia đình có mức sống trung bình.

Để giúp HS vượt qua cái nghèo khó, đi học chuyên cần, chăm chỉ, vươn lên học tốt, thầy cô giáo không chỉ như người cha, người mẹ thứ hai của các em, mà còn là người bạn chân thành, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với các em.

Mặc dù, bản Tân Sơn đang có rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi quyết định 861 của CP và QĐ 612 của UB Dân tộc có hiệu lực, thì cả GV và HS đều không còn diện được Nhà nước hỗ trợ các chính sách.

“Từ khi địa phương ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, thì nhiều GV lâm vào cảnh chật vật vì bị cắt giảm khoản tiền phụ cấp hàng tháng. Trong khi đó, đa số GV đang “cắm” sổ lương, vay tiền ngân hàng để mua sắm xe máy, sửa sang nhà cửa.

Bây giờ, mỗi tháng lương và phụ cấp còn khoảng vài triệu đồng, sau khi trừ tiền nợ ngân hàng, các khoản đóng góp khác, nhiều GV nhận về số lương ít ỏi không đủ để sinh hoạt hàng ngày, quan hệ xã hội.

Đối với HS, do không còn chế độ bán trú, nên nhiều gia đình nghèo, cận nghèo gặp nhiều khó khăn vì phải đóng tiền bán trú cho con ăn ở trường. Trong khi đó, quãng đường đến trường không những khó khăn mà còn khá xa”, thầy Sức cho hay.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 2

Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng nhà trường là người dành hết tâm huyết và nỗ lực để lo cho học trò có những bữa ăn, giấc ngủ trưa tại các điểm trường đang rất khó khăn. Ảnh: TL.

Trường Tiểu học Thanh Xuân có 4 điểm trường khó khăn nhờ thực hiện các giải pháp linh hoạt, nên đến nay 3 điểm trường đã có bếp ăn, có nhà bán trú cho HS. Duy nhất chỉ còn điểm trường Tân Sơn là chưa xã hội hóa, để xây dựng bếp ăn, nhà bán trú cho học sinh được.

Để khôi phục bếp ăn bán trú, tăng cường trang thiết bị bán trú, nhà trường đã làm Tờ trình đề nghị phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ, xã hội hóa nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị bán trú của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và được Phòng GD&ĐT Quan Hóa, UBND huyện phê duyệt.

Sau đó, nhà trường đã kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, bạn bè, cán bộ, GV và đặc biệt là Báo GD&TĐ đã đồng hành đưa tin, viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng bán trú, hỗ trợ suất ăn, hỗ trợ gạo cho HS.

Trước khi khôi phục bếp ăn bán trú, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, thống nhất suất ăn và việc đóng góp hằng ngày. Phụ huynh phải làm đơn tự nguyện cho con tham gia ăn bán trú.

Với quan điểm HS nơi đây chỉ cần ăn no, ngủ ngon, nên bữa cơm của các em chỉ ở mức 15.000đ/suất (bao gồm: Cơm trắng, thức ăn mặn, canh rau…). Nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh tự thuê chọn người nấu ăn. Nhà trường chịu trách nhiệm đến chất lượng thức ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Về nguồn kinh phí vận động chắc chắn là sẽ rất khó khăn, nhưng trước mắt vẫn là điều kiện có đến đâu thực hiện đến đó. Thời gian qua, cũng có những cá nhân, gia đình hảo tâm tặng gạo, tặng tiền hỗ trợ mua thức ăn thêm cho các em", thầy Sức chia sẻ.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 3
Bà đưa cơm cho cháu ăn trưa tại lớp ở điểm trường Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân. Ảnh: TL.

Với cách làm như vậy, mà đến nay tại khu trường chính và 2 điểm ở bản Giá, bản Vui đã xây dựng được nhà bán trú, bếp ăn cho học trò. Hiện, Ban giám hiệu, tập thể GV Trường Tiểu học Thanh Xuân đang tiếp tục kêu gọi, mong sớm có bếp ăn bán trú cho HS tại điểm trường Tân Sơn, để không còn cảnh “nắm cơm treo cửa lớp” như từ trước đến nay vẫn diễn ra.

Hỗ trợ tối đa cho học trò nghèo

Cô giáo Từ Thị Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong (Nghệ An), cho biết: Trường đóng tại huyện biên giới của tỉnh Nghệ An. Trên địa bàn chỉ có duy nhất trường THPT công lập, nên HS của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đều ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, ngoại trừ một số ít ở khu vực thị trấn.

“Nơi xa nhất cách trường đến 60-70km, trong đó có những bản chưa có đường đi, sóng liên lạc chưa thuận lợi. Học sinh của trường có nhiều khác biệt so với HS ở vùng thuận lợi về điều kiện kinh tế, vì đa phần là hộ nghèo và cận nghèo… Đặc biệt, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục ảnh hưởng nhất định đến HS như tục bắt vợ, tảo hôn…”, cô Vân chia sẻ.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 4
Học sinh Trường THPT Quế Phong hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ mú... Ảnh: NTCC.

Cũng theo cô Vân, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn đã tác động không nhỏ đến hiệu quả các hoạt động GD toàn diện. Chất lượng đầu vào các môn văn hóa của các em còn rất thấp, có những hạn chế về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, ứng xử với các tình huống trong cuộc sống…

Trong khi đó, phần đa HS phải xa nhà trọ học, thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc trực tiếp từ cha mẹ. Sự quan tâm, phối hợp để giáo dục HS của gia đình cũng còn ít so với các trường vùng thuận lợi.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Quế Phong có 1.771 HS. Tuy nhiên, chiếm tới khoảng 2/3 số HS khó khăn, nằm trong diện được hỗ trợ chính sách khi đến trường.

Hàng năm, nhà trường có hơn 1.100 HS dân tộc thiểu số diện bán trú được hưởng chế độ trợ cấp Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Chính phủ. Mức hỗ trợ gồm tiền ăn, ở bằng 50% mức lương cơ bản và 15kg gạo/em/tháng.

Học sinh của nhà trường được thụ hưởng chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Trong đó, 645 em diện hộ nghèo được miễn 100%; 765 em là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được giảm 70% và có 88 em hộ cận nghèo không thuộc đối tượng hưởng cao hơn được giảm 50%”.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 5
Trường THPT Quế Phong tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện để học sinh thể hiện, phát huy giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Ảnh: NTCC.

“Nhà trường có trách nhiệm lo cho HS, thực hiện chi trả các chế độ trợ cấp, hỗ trợ cho các em theo quy định. Đối với HS diện nghèo và cận nghèo, thì nhận chế độ hỗ trợ theo kỳ. Riêng HS diện Nghị định 116, thì tiền hỗ trợ ăn, ở khi ngân sách phân bổ về trường đến đâu, nhà trường trả cho các em đến đó. Còn gạo thông thường sẽ được cấp phát về 2 lần mỗi học kỳ. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân, nhà hảo tâm... để hỗ trợ tối đa về vật chất cũng như tinh thần cho những học sinh nghèo, đặc biệt khó khăn”, cô Vân thông tin.

Nữ hiệu trưởng cho biết thêm, ngoài các chế độ của Nhà nước, nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ nhiều kênh để hỗ trợ một phần cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, như: sách giáo khoa, vở, điện thoại, sim điện thoại, máy tính bảng (thời điểm cao điểm dịch Covid -19).

Hiện nhiều HS của trường được tặng điện thoại, máy tính bảng vẫn đang hỗ trợ rất tốt cho học bài, ôn tập chuẩn bị các kỳ thi quan trọng, đặc biệt là thi Tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường đều huy động, kết nối các nguồn lực để tặng các suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, học sinh đạt thành tích tốt tại các kỳ thi…

Bên cạnh hỗ trợ HS trong việc ôn tập theo lịch học chính khóa, nhà trường cũng đã mở lớp học vào buổi tối các em ở nhà trọ tham gia, nhiều GV tình nguyện hỗ trợ, hướng dẫn các em ôn bài.

Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo ảnh 6
Giáo viên Trường THPT Quế Phong (Nghệ An) phụ đạo kiến thức, hướng dẫn tự học và ôn tập vào buổi tối tại trường cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Ban giám hiệu, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, các cá nhân cũng đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ kỳ thi, như: chương trình tiếp sức mùa thi, cho ở trọ miễn phí, thành lập các tổ - nhóm GV đến những khu vực HS trọ để thăm hỏi động viên các em. Cùng đó, nhà trường chủ trương kêu gọi GV tổ chức ôn tập, phụ đạo, hỗ trợ thêm về kiến thức miễn phí cho HS...

“Ngoài dạy học, điều nhà trường quan tâm nhất với học trò dân tộc thiểu số là giáo dục kỹ năng sống cho HS, như: giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là việc giáo dục pháp luật, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội thông qua các hình thức tuyên truyền, tư vấn tâm lý và các hoạt động trải nghiệm…”, cô Vân nói.

"Với mục tiêu giúp HS có nơi ăn, chốn ngủ tại trường, nhà trường đã đồng lòng, quyết tâm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội. Từ thầy Hiệu trưởng, Hiệu phó đến GV, mỗi người đều tận dụng mối quan hệ tập thể, cá nhân của mình để cùng kêu gọi từ những người bạn, nhà hảo tâm.... góp sức. Từ khi bán trú hoạt động trở lại đến nay, HS đi học rất chuyên cần, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt”, thầy Lê Văn Sức - điểm trường Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân.

Bài liên quan
2,1 triệu người xem bài tập bị điểm 0 của cậu bé tiểu học rồi cười đến tắt tiếng, cuối cùng cũng hiểu vì sao giáo viên hay cáu
Bài tập "sáng tạo" quá mức của cậu bé tiểu học khiến người ta vừa đọc vừa cười đau bụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy cô vùng khó cùng 'nâng bước' học trò nghèo