Thay đổi từ gốc đào tạo nhân lực ngành báo chí thời 4.0

21/06/2023, 09:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mạng xã hội và hình thức “báo chí công dân” bùng nổ trong thời đại 4.0 thách thức sự tồn tại, phát triển của báo chí chính thống.

Thay đổi từ gốc đào tạo nhân lực ngành báo chí thời 4.0 ảnh 3

ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Dù muốn dù không thì sự bùng nổ của mạng xã hội và “báo chí công dân” (tôi xin phép không gọi đây là loại hình, vì chúng ta đã biết lịch sử báo chí thế giới có 4 loại hình: Báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử) tác động không nhỏ đến vị thế và vai trò của ngành báo chí, truyền thông. Đây là sự thật không thế thay đổi và nếu có muốn chống lại cũng không thể.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và hàng loạt phát minh khoa học kỹ thuật vĩ đại khác trong tương lai khiến nhiều tờ báo với truyền thống hình thành phát triển cả trăm năm trên thế giới phải đóng cửa hoặc chuyển từ báo giấy qua hình thức phát hành khác. Covid-19 đã chứng kiến nhiều cuộc ly tan của báo chí. Ở Việt Nam, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng về chiều sâu lẫn bề rộng của báo chí và truyền thông trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy trong nguy có cơ. Nghĩa là, trong thời đại có nhiều “robot” làm báo, vô số thông tin không xác định được tính chính xác, độ nhiễu ngày càng cao thì thông tin trên các tờ báo chính thống, cơ quan thông tấn uy tín cao sẽ có chỗ đứng. Người dân không xác định được đâu là tin đúng đâu là tin sai thì họ có chỗ bám víu. Đó là tin từ các nhà báo, cơ quan thông tấn báo đài uy tín. Và các nhà báo hãy tận dụng tốt cơ hội này để xây thành luỹ vững chắc, là điểm tựa, niềm tin cho công chúng trong lúc họ vùng vẫy bơi ngợp trong biển thông tin mà không biết đâu là “phao xịn” đâu “phao hết hơi”.

Từ những chia sẻ trên, tôi khẳng định, các phóng viên cần làm việc chỉn chu hơn bao giờ hết: Nhanh, tốc độ là cần thiết nhưng xin hãy chính xác. Chính xác và minh bạch thông tin là điều công chúng luôn khát khao trong thời đại “loạn thông tin”.

Kỹ năng của một phóng viên như thế nào, biên tập viên cần gì thì chắc chắn mỗi cơ quan thông tấn, báo đài sẽ có yêu cầu riêng. Các bạn trẻ muốn theo con đường này phải chuẩn bị cho mình nhiều kỹ năng, trong đó có ngoại ngữ, làm việc nhóm. Các kỹ năng về công nghệ cũng cần được rèn luyện. Khi tác nghiệp trong môi trường đa phương tiện, nếu vừa biết viết, biết làm kịch bản, còn có thể dẫn hiện trường, biết tự trang điểm, có phong cách ăn mặc hợp thời, lịch thiệp, còn có khả năng phỏng vấn tốt, biết quay, biết dựng phim… phóng viên sẽ chủ động và nhanh chóng trở thành “ngôi sao” sáng, dĩ nhiên là phải có kiến thức nền tảng về nghề vững vàng.

Các bạn cũng cần trang bị ngôn ngữ, cụ thể là khả năng sử dụng tiếng Việt chuẩn. Tôi khá lo lắng cho thế hệ Gen Z khi nhiều bạn viết một bài luận sai chính tả, sai ngữ pháp cơ bản. Chỉ trong 10 dòng mà có tới 10 đến 15 lỗi. Kỹ năng đọc với ngành báo chí và truyền thông, với tôi, là một trong những yếu tố quan trọng, không thể không có. Đọc sách cho các bạn ngôn từ để viết, dẫn chương trình và cho cả kiến thức. Việc đào tạo giảng dạy hiện nay cũng cần điều chỉnh cho hợp với thời đại. Dĩ nhiên, tôi tin các thầy cô đã và đang nỗ lực, tuy nhiên sự đầu tư về trang thiết bị đôi khi chưa đáp ứng hết yêu cầu của ngành nghề.

Chuyên gia Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc Tăng trưởng Tập đoàn Truyền thông Golden (Golden Communication Group), giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM): Cần kiến thức và kỹ năng đa dạng

Thay đổi từ gốc đào tạo nhân lực ngành báo chí thời 4.0 ảnh 4

Chuyên gia Huỳnh Lê Khánh.

Tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và báo chí công dân đã và đang biến đổi ngành truyền thông theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta thấy khá rõ trong những năm gần đây, ngành truyền thông và cả ngành báo chí bước vào cuộc đua của tốc độ và tính xác thực. Chúng ta cũng thấy mạng xã hội đã mở rộng các nguồn thông tin sẵn có, thách thức vai trò gác cổng của các tổ chức truyền thông. Cấu trúc phân cấp của các tổ chức tin tức hiện tại cũng bị phá vỡ, dòng chảy của tin tức trở nên đa dạng hơn và không phải là một dòng chảy cố định, bất di bất dịch.

Bất chấp những đổi thay này, các nhà báo chuyên nghiệp, nhà tổ chức truyền thông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp báo cáo chuyên sâu, chính xác và được xác minh. Họ vẫn mang lại lượng kiến thức chuyên môn, uy tín và trách nhiệm giải trình cho hệ sinh thái tin tức; đồng thời tận dụng các mạng xã hội để phân phối rộng rãi, gắn kết và tương tác với khán giả của mình một cách trực tiếp và thường xuyên hơn.

Để tồn tại và phát triển ngành truyền thông trong bối cảnh đang thay đổi mạnh mẽ, các chuyên gia tương lai phải sở hữu kiến thức và kỹ năng đa dạng. Họ cần trang bị kiến thức về kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, biết phân tích và đánh giá dữ liệu, khả năng sáng tạo nội dung và biết cách kể chuyện. Đây là những điều đã và đang tạo ra xu hướng mới trong lĩnh vực truyền thông hiện nay.

Bên cạnh đó, họ cũng cần tăng cường trí tuệ cảm xúc - đây là một trong những đòi hỏi của thời đại với nhiều ngành nghề chứ không riêng truyền thông. Kỹ năng quản trị sự thay đổi cũng rất cần thiết khi mà chúng ta chứng kiến biến đổi của thời đại được tính bằng giờ, phút. Việc hiểu rõ chính mình đi cùng với biết cách giao tiếp với xã hội, kiên cường (để vượt qua khó khăn của thời cuộc) và biết thấu cảm, có tinh thần phụng sự sẽ giúp họ đứng vững được trong thời đại của sự chuyển đổi như vũ bão về mọi mặt.

Theo tôi, đội ngũ làm công tác truyền thông phải được đào tạo đa ngành, bao gồm tích hợp phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số; ra quyết định dựa trên dữ liệu, tư duy đạo đức và phản biện, giao tiếp đa văn hóa và toàn cầu, cũng như phát triển hợp tác và biết cách làm việc theo nhóm.

Các cơ sở đào tạo ngành báo chí, truyền thông cần nhấn mạnh hoạt động thực hành đạo đức, tư duy phản biện và làm sao để hiểu biết về phương tiện truyền thông. Đây là điều cực kỳ quan trọng trong bối cảnh ngày nay. Cách thiết kế chương trình học cũng cần thay đổi để tránh tập trung quá nhiều về mặt thông tin và thiếu tính thực tế hay va chạm thực tế. Các mô hình cố vấn (mentorship) hoặc học tập kết hợp phụng sự (service learning) nên được cân nhắc bổ sung vào chương trình học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-tu-goc-dao-tao-nhan-luc-nganh-bao-chi-thoi-40-post643776.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-tu-goc-dao-tao-nhan-luc-nganh-bao-chi-thoi-40-post643776.html
Bài liên quan
Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chưa bắt kịp xu hướng phát triển
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt cả nhân lực sơ và trung cấp trong vận hành máy móc, phần mềm… do chương trình đào tạo hiện vẫn chưa bắt kịp xu hướng phát triển nhanh về công nghệ thông tin của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thay đổi từ gốc đào tạo nhân lực ngành báo chí thời 4.0