Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với công nghệ tiên tiến và tăng cường các thỏa thuận an ninh với các đồng minh để theo đuổi chiến lược kìm chân Trung Quốc.
Mỹ - Trung còn nhiều việc cần phải làm
John Delury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul đánh giá, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều mô tả chuyến thăm của ông Blinken bằng những ngôn từ hoa mỹ nhưng các cuộc đối thoại của ông Blinken ở Bắc Kinh là thiếu thực chất bởi không có mục tiêu quan trọng nào được hai bên đàm phán ngoài việc đồng ý đối thoại.
“Đó là một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ hai bên đã xấu đi đến mức nào khi việc ngồi lại được với nhau để nói chuyện đã là một thành tích”, ông Delury chia sẻ quan điểm.
Không nhất trí với quan điểm này, nhà phân tích Qinduo Xu, thành viên cấp cao tại Viện Pangoal, một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng chuyến thăm đã diễn ra tốt đẹp hơn nhiều người mong đợi, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa ông Tần Cương và ông Antony Blinken.
“Đó thực sự là cuộc thảo luận quan trọng giữa hai bên và tôi nghĩ những người ở Trung Quốc sẽ coi đó là một khởi đầu tốt,” ông nói.
"Chính sách của Mỹ nói chung và chính sách của họ đối với Trung Quốc nói riêng vẫn không thay đổi. Vì vậy, bất kỳ sự cải thiện nào hầu hết sẽ đến từ các lĩnh vực mềm như kinh doanh, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân hoặc mở một kênh liên lạc", ông Xu nói thêm. “Đó là điều mà Mỹ đang tìm kiếm nhưng phía Trung Quốc mong đợi nhiều hơn để ổn định mối quan hệ này, vì vậy đó có lẽ là khoảng cách giữa hai bên”.
Ông Blinken hôm 19/6 cho biết, một ưu tiên hiện nay là thúc đẩy liên lạc giữa quân đội hai nước. Mục tiêu này được nhấn mạnh sau khi xảy ra các cuộc chạm trán giữa máy bay, tàu của Trung Quốc và Mỹ gần Đài Loan và Biển Đông.
“Đây là điều mà tôi đã nhiều lần nêu ra với phía Trung Quốc trong chuyến đi này. Điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải có những hình thức liên lạc”, ông Blinken nói.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng thừa nhận rằng "không có tiến triển ngay lập tức" về vấn đề này.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, ông Tập Cận Bình nói với ông Blinken rằng Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Mỹ và sẽ không tìm cách "thách thức hoặc thay thế Mỹ".
“Tương tự như vậy, Mỹ cũng phải tôn trọng Trung Quốc và không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Không bên nào có thể ‘uốn nắn’ bên kia theo mong muốn của mình, chứ đừng nói đến việc tước đoạt quyền phát triển hợp pháp của bên kia”, Chủ tịch Trung Quốc nói.
Blinken lập luận rằng Mỹ không cố gắng "kiềm chế" Trung Quốc nhưng Mỹ phải thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và nếu Trung Quốc ở vào tình thế như Mỹ thì nước này cũng sẽ hành động như vậy.
Cuộc gặp của ông Blinken với ông Tập diễn ra sau cuộc hội đàm của ông với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị - người đã kêu gọi Washington và Bắc Kinh đảo ngược "vòng xoáy đi xuống" trong quan hệ song phương. Trước đó, ông Blinken cũng đã có cuộc hội đàm hơn 5 tiếng đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương.
Ông Blinken và ông Tần Cương đã nhất trí “quản lý hiệu quả sự khác biệt và thúc đẩy đối thoại, trao đổi và hợp tác”. Giới phân tích đánh giá, những nỗ lực khởi động lại đối thoại có thể giúp tạo cơ sở cho cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức ở Mỹ vào tháng 11 năm nay./.