Thậm chí để phụ huynh đồng ý, tôi đã ở lại làm nương rẫy, gần gũi với họ, giải thích lợi ích của việc học tập. Tôi gợi cho họ suy nghĩ và tìm câu trả lời: Khi biết chữ cuộc sống các em sẽ thay đổi như thế nào? Làm kinh tế ra sao cho có hiệu quả? Bên cạnh đó, tôi đi xin từng chiếc áo, bút, sách vở, hỗ trợ ăn uống cho học trò để phụ huynh yên tâm gửi con đến trường”.
Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó bởi học sinh không chuyên cần, tình trạng các em bỏ về giữa buổi không quay trở lại ngày một nhiều. Suy nghĩ trở trăn, thầy Tùng cố tìm hiểu và phát hiện ra nguyên nhân học sinh bỏ về vì đói. Các em thường không được ăn sáng trước khi đến trường nên giữa buổi trốn về nhà kiếm đồ ăn. Đến khi đã ấm bụng, các em không dám quay trở lại lớp vì sợ thầy cô mắng, có em lại theo bố mẹ lên nương.
Không thể để học trò mang bụng đói đến trường, năm 2021 thầy Tùng nảy ra sáng kiến thực hiện “tủ bánh mì 0 đồng” nhằm hỗ trợ bữa ăn sáng cho học trò. Ban đầu mới hoạt động, tủ bánh chỉ hỗ trợ được 1 buổi/tuần với 60 ổ bánh mì. Tuy nhiên, sau một tháng, chương trình hỗ trợ hơn 200 em học sinh và tăng lên 3 buổi/tuần.
Song song với tủ bánh mì 0 đồng, thầy Tùng thực hiện mô hình quỹ sinh kế trao bò hỗ trợ xóa đói giảm nghèo bền vững cho gia đình học sinh. Mô hình quỹ sinh kế hướng tới các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi để các em được đi học. Đến nay đã có 12 gia đình học sinh khó khăn được hỗ trợ trao 9 con bò và 7 con dê để chăn nuôi.
Thầy Tùng chia sẻ: “Quỹ sinh kế bên cạnh giải quyết khó khăn trước mắt, tôi muốn đưa ra các kế hoạch dài hạn để cải thiện được cuộc sống người dân, học sinh duy trì việc đến lớp và có điều kiện học tập tốt hơn. Từ ngày được hỗ trợ, phụ huynh phấn khởi, học trò đi học đầy đủ hơn”.
Gắn bó với người đồng nghiệp luôn biết sống vì người khác, thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường TH & THCS Đinh Núp chia sẻ cảm nhận: “Thầy Tùng là một người nhiệt huyết, đi đầu trong các phong trào giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ người dân nơi đây nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống cũng như tiếp sức cho học trò theo đuổi con chữ, hiện thực hóa ước mơ, thay đổi tương lai, cuộc sống sau này”.
Là một trong những học sinh được thầy Tùng giúp đỡ, dìu dắt, khích lệ nuôi giấc mơ học đại học, Trương Thị Thuý Vân, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chia sẻ: “Nếu không có thầy, chắc em và nhiều bạn chẳng bao giờ dám mơ bước chân vào giảng đường đại học. Thầy là người truyền động lực vượt khó và luôn tiếp thêm năng lượng để chúng em sống có nghị lực, có ý chí vượt khó vươn lên”.
“Quỹ sinh kế là ý tưởng cung cấp vật nuôi (bò, dê) để chúng sinh sản hỗ trợ cải thiện kinh tế gia đình. Mục đích của quỹ là giúp gia đình học sinh tạo được nguồn vốn góp phần xóa đói giảm nghèo và điều quan trọng nhất đó là cách hỗ trợ gián tiếp giúp các em an tâm đến trường”, thầy Vũ Văn Tùng chia sẻ.