Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn

Hà An | 23/07/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy giáo Trần Đình Phương, sinh ra và lớn lên ở xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều năm gắn bó với nghề dạy học nơi đại ngàn Trường Sơn.

Khó khăn không chùn bước chân thầy giáo

Tốt nghiệp ngành sư phạm Toán học tại Trường ĐH sư phạm Huế năm 2013, t thầy giáo Trần Đình Phương chuyển tiếp cao học chuyên ngành và tốt nghiệp năm 2016. Vào ngành sư phạm, ba lô khăn gói lên với đại ngàn Trường Sơn, thầy giáo Phương đã dạy học ở Trường THCS&THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trường nằm tại thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn, ranh giới thiên nhiên ngăn Việt Nam và Lào, Hồng Vân là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Học sinh về học tại trường 100% các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số Pa - cô, Tà - ôi, Vân - kiều, Cơ tu.

Tỷ lệ đói nghèo cao là rào cản cho những người làm giáo dục trên mảnh đất này. Thiên nhiên khắc nghiệt, nắng gắt, mưa giông, năm nào cũng sét đánh chết người là những hiểm nguy luôn rình rập. "Học sinh thiếu gì thì trong khả năng của mình, các thầy cô cùng chung tay giúp đỡ, nhiều em không đủ đồ ấm vào mùa lạnh, tôi đã vận động, quyên góp áo quần cũ để tặng cho các em." – Thầy Phương tâm sự

Cô Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hồng Vân cho biết: Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên học sinh tới trường luôn trong tình trạng thiếu sách vở, quần áo, giày dép và phương tiện đi lại. Nghèo khó ngăn bước các em đến trường, ở đây nhiệm vụ của các thầy cô giáo lại đè nặng thêm lên, vừa dạy chữ vừa phải thường xuyên vận động học sinh đi học, giữ chân các em ở lại trường.

Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn ảnh 1

Thầy Phương, ngoài cùng bên trái cùng các đồng nghiệp và học sinh tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh năm 2022

Thầy giáo Trần Đình Phương tâm sự: "Ngày đầu đến trường, các em chào đón tôi với ánh mắt như thể tôi là người thân mới đi từ xa về đã xóa tan đi những vất vả phải khi di chuyển gần 100 km từ nhà đến trường. Lúc đó tôi chỉ tâm niệm một điều, dạy thật tốt, truyền đạt kiến thức thật nhiều để giúp các em có kĩ năng sống, định hướng nghề nghiệp, để thay đổi cuộc sống làm giàu cho gia đình và quê hương.

Niềm vui lớn lên cùng năm tháng, đến nay sau nhiều năm công tác tại trường, tôi vui mừng chứng kiến nhiều em đã rất cố gắng vượt khó học giỏi, có những em thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học, bước đầu đã gặt hái được một số thành quả đáng khích lệ với 4 giải cấp tỉnh và có 1 đề tài được vinh dự tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp quốc gia".

Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn ảnh 2

Học sinh của thầy Phương trình bày đề tài khoa học tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên- Huế năm 2021

Học sinh của tôi, ngoài thời gian học ở trường, hầu hết thời gian ở nhà các em phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy, các em không có thời gian tự học hay chuẩn bị bài trước khi đến lớp, không có đủ đồ dùng học tập, để đến được trường, nhiều em phải đi bộ vượt qua các con suối nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Có qua các con dốc đứng, cheo leo, thác suối nguy hiểm, mới cảm thông cho những lần đi học trễ của các em.

Nỗ lực tạo sự đổi thay

Sau 2 năm nhận công tác tại trường, thầy giáo Phương được giao Tổ trưởng chuyên môn. Câu hỏi đặt ra và cũng áp lực để tìm lời giải là phải làm thế nào để GV gắn bó với học sinh để hiểu được những khó khăn, gian khổ của các em trên con đường “tìm con chữ”, với mong muốn “học để thoát nghèo”, các thầy cô ngoài nhiệm vụ dạy học tốt phải thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích, vận động các em đến trường.

Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn ảnh 3

Quà của các em học sinh dân tộc tặng thầy giáo của mình là những củ sắn rừng các em đang cầm trên tay

"Giúp các em học tập, tôi đã biên soạn tài liệu ôn thi và hỗ trợ một phần kinh phí in ấn tài liệu, cũng như xin nhà trường cho tôi được dạy thêm một buổi/tuần ngoài giờ để giúp các em ôn tập hiệu quả hơn. Bản thân tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với đối tượng học sinh, tạo môi trường học tập tốt nhất để các em hứng thú hơn trong học tập". - thầy Phương chia sẻ

Tổ chuyên môn của thầy Phương đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từ lớp đầu cấp để tạo nguồn. Đặc biệt, thầy giáo Phương và các đồng nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới phương pháp, sử dụng đồ dùng dạy học, soạn giảng theo phương pháp mới cũng như ứng dụng CNTT trong việc giảng dạy bộ môn một cách hiệu quả hơn.

Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn ảnh 4
Một buổi sinh hoạt chuyên môn ứng dụng CNTT vào dạy học của Tổ Toán - Lý - Kỹ thuật Công nghiệp, thầy Phương làm tổ trưởng

Niềm vui nối tiếp, năm học 2019 – 2020, thầy giáo Trần Đình Phương đã có sáng kiến “Sử dụng câu hỏi kết thúc mở trong dạy học chủ đề Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị hàm số”; Năm học 2020 – 2021, thầy lại thêm sáng kiến “Xây dựng và áp dụng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh lớp 12 trường THCS&THPT Hồng Vân ôn tập có hiệu quả cho kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Cùng trong năm học 2021 – 2022, thầy Phương có sáng kiến “Phát triển năng lực giải quyết vấn đề thông qua chủ đề Tỉ số thể tích cho học sinh DTTS lớp 12 ở trường THCS&THPT Hồng Vân”. Các sáng kiến kinh nghiệm của thầy giáo Trần Đình Phương đều được Sở GD&ĐT công nhận và đánh giá cao. Không ngừng nỗ lực sáng tạo và cống hiến, thầy giáo Trần Đình Phương và các đồng nghiệp đã và đang gieo mầm tương lai để giáo dục tỏa sáng trên đỉnh dãy Trường Sơn.

"Là giáo viên trẻ, năng động, nhiệt huyết, chuyên môn vững vàng, thầy giáo Phương là ngọn cờ đầu trong áp dụng phương pháp dạy học phù hợp đối tượng học sinh. Hướng dẫn và giúp đỡ đồng nghiệp hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, có học sinh đạt giải cao cấp tỉnh. Thầy giáo luôn tích cực tham gia hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm, thi giáo viên dạy giỏi, thi thiết kế bài giảng điện tử… Trong 3 năm học vừa qua, tổ chuyên môn của thầy luôn có giáo viên đạt giải cao trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi và thiết kế bài giảng điện tử của Bộ GD &ĐT." – Hiệu trưởng Đàm Thị Hoa cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo trẻ mạnh dạn đổi mới phương pháp nơi đại ngàn Trường Sơn