Chia sẻ về cách thức triển khai STEM hiệu quả, thầy Dũng cho biết: Để hỗ trợ tốt nhất nhu cầu dạy và học, nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, như máy in 3D, AR, VR, robotics, IoT, thiên văn... cùng lượng đầu sách lớn, đa dạng, phục vụ nhu cầu tự học, nghiên cứu của thầy cô, học trò. Đây là điều kiện không phải trường học nào trong nước cũng có thể mang tới cho học sinh.
Từ tiểu học, học sinh tại trường đã được tham gia vào các dự án liên môn, học qua trải nghiệm, thực hành làm việc nhóm. “Vũ trụ trong mắt em”, “Mô phỏng mô hình tế bào”... là một số dự án STEM đã được triển khai gần đây được học sinh ủng hộ và hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, học sinh cũng được khuyến khích lên ý tưởng và phát triển các dự án khoa học cá nhân với dự hướng dẫn, đồng hành của thầy cô.
Nguyễn Phương Lâm (Lớp 4A1) cho biết rất thích học lớp của thầy Dũng vì được xem rất nhiều video minh họa hay; được tự thực hành làm các sản phẩm công nghệ tại lớp, tại nhà. “Dù học online hay ở lớp, nhờ hướng dẫn của thầy con vẫn có thể hiểu bài và làm bài tập về nhà dễ dàng hơn” - Phương Lâm chia sẻ.
Truyền cảm hứng, tình yêu khoa học cho học sinh cả nước
Cùng kiến thức đã được dạy và thực hành tại các trường đại học trong, ngoài nước, thầy Dũng luôn tìm tòi những cách thức mới, đơn giản, dễ hiểu nhất để truyền tải tới học trò.
Song song với giờ dạy trên trường, thầy đã lập một xưởng sáng tạo nhỏ tại nhà để làm video hướng dẫn cho học sinh. Việc thành lập xưởng ban đầu không ít gian nan. Vì chưa có kinh phí nên số lượng công cụ hạn chế, làm cho việc chế tạo còn gặp rất nhiều khó khăn, thầy Dũng cho biết phải dành dụm và mua dần dần để có thể có được xưởng như ngày hôm nay. Bên cạnh đó còn là khó khăn về kinh nghiệm. Do ban đầu chỉ có ý tưởng, còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức nên phải tự mày mò, tự học từ đầu đến cuối. “Tôi học rất nhiều qua các nền tảng trực tuyến, cùng với đó tham gia các nhóm để học hỏi kinh nghiệm” - thầy Dũng chia sẻ.
Cho đến nay, với xưởng sáng tạo nhỏ này, thầy Dũng đã tạo ra nhiều thiết bị thí nghiệm và dạy học trực quan, đóng góp vào ngân hàng ý tưởng dạy học tích cực, chia sẻ vào các nhóm giáo viên dạy học tích cực trên cả nước. Các video thí nghiệm được thầy tỉ mỉ, dày công tự quay, dựng để học sinh được trực tiếp quan sát, lắng nghe và đưa ra kết luận của chính bản thân mình. Nhiều thiết bị của thầy đạt giải cao trong các cuộc thi về thiết bị dạy học, ý tưởng dạy học hiện đại, cuộc thi ý tưởng phục vụ cộng đồng.
“Khi nào thì có tiếng vang?”, “Tiếng ngân khác tiếng vang như thế nào?”,“Hướng dẫn làm đèn trung thu tự quay”, “Làm máy phát điện 1 chiều mini”… là một số trong nhiều video đã được thầy Dũng thực hiện để dạy Vật lí, Khoa học và đăng tải trên kênh Youtube “Vui học STEM”. Hiện kênh này đã đạt số lượng lượt xem nhất định. Video cao nhất hướng dẫn chế tạo máy phát điện xoay chiều đạt 47 nghìn lượt xem, giúp nhiều giáo viên, học sinh cả nước hiểu hơn về bản chất việc tạo ra điện, tự tay chế tạo được máu phát điện. Rất nhiều học sinh ở Phenikaa cũng theo dõi kênh và chế tạo được các sản phẩm học tập theo gợi ý, ví dụ như làm đèn lồng trung thu dựa trên các nguyên tắc Vật lí.
“Tại Việt Nam chưa có nhiều người làm kênh khoa học, các kênh khoa học của nước ngoài tuy nhiều nhưng lại chủ yếu bằng tiếng Anh. Vì vậy, kênh Youtube này, cùng các câu lạc bộ STEM, Vật lí, Khoa học là cách mình làm để mong muốn góp một phần nhỏ cho nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt là các bạn nhỏ yêu khoa học trên mọi miền đất nước, kể cả ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.” - thầy Dũng tâm sự.
Thời gian tới, thầy Dũng cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các ý tưởng sáng tạo và biến chúng thành hiện thực; ghi hình quá trình chế tạo để tiếp tục chia sẻ rộng rãi. Thầy cũng dần mở rộng để tổ chức các khóa đào tạo dành cho giáo viên, sinh viên các ngành sư phạm Khoa học để có thể sử dụng an toàn, thành thạo, hiệu quả các loại công cụ nhằm chế tạo thiết bị dạy học trực quan, các sản phẩm học tập STEM. Dần hướng đến việc có thể dạy lại học sinh cách sử dụng các loại công cụ này để phục vụ hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của bản thân.
“Đối tượng tôi hướng tới không chỉ là giáo viên, sinh viên sư phạm, mà mong mỏi mọi người đều có được không gian sáng chế, biến các ý tưởng của mình thành hiện thực” - thầy Phạm Việt Dũng cho hay.