Theo đánh giá của các chuyên gia, thế giới có nguy cơ phải đối mặt với năm 2024 nhiều rủi ro bao gồm lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị gia tăng hay biến đổi khí hậu.
Các nhà kinh tế dự đoán rằng sau chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong lịch sử kể từ tháng 3/2023 - đã góp phần giảm lạm phát, nhưng chưa đạt được mức mục tiêu - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không vội vàng chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, trừ phi một cuộc suy thoái buộc họ phải ra tay.
Mặc dù các thị trường tài chính có được những đợt phục hồi nhẹ với kỳ vọng rằng FED sẽ không tăng lãi suất nữa, nhưng các nền kinh tế thực ở mọi nơi có thể phải đối mặt với những vấn đề rắc rối. Sau hơn một thập kỷ tận hưởng lãi suất gần như bằng 0 kể từ năm 2009 đến hết năm 2021, các hộ gia đình và các công ty có thể phải chịu sự điều chỉnh đột ngột với lãi suất hơn 5% và lãi suất thế chấp ở mức cao trong nhiều năm. Tác động đầy đủ của lãi suất cao hơn chưa được cảm nhận rõ ràng, những thay đổi về tỷ giá thường mất từ 12 đến 18 tháng mới tác động đến các nền kinh tế.
Nỗi lo lãi suất
Giới phân tích gần đây dự đoán rộng rãi về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 3,5% năm 2022 xuống 3% năm 2023 và 2,9% năm 2024 - thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trong giai đoạn 2000-2019. Hầu hết các nhà kinh tế đều không mong đợi một sự suy thoái xảy ra ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), từ đó sẽ lan rộng ra toàn thế giới.
Nỗi lo lãi suất tăng cao bao trùm các thị trường |
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu đáng lo ngại không thể bỏ qua, đó là khoản tiết kiệm dư thừa được tích lũy trong thời kỳ dịch bệnh và giúp cho việc tiêu thụ nhiên liệu được giảm bớt; đường cong lợi suất vẫn đảo ngược - có nghĩa là lãi suất ngắn hạn vượt quá lãi suất dài hạn - và tính thanh khoản bị thắt chặt.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa đạt mức trung bình và bị đè nặng bởi khủng hoảng thị trường bất động sản, tiêu dùng yếu, cũng như thiếu biện pháp kích thích tài chính. Tổng hợp tất cả các yếu tố lại không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu, mặc dù hiện tại khó có thể xảy ra.
Căng thẳng địa chính trị
Căng thẳng địa chính trị có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Theo khảo sát Triển vọng CEO 2023 của KPMG, các CEO giờ đây xếp bất ổn địa chính trị là rủi ro lớn nhất đối với sự phát triển kinh doanh của họ trong 3 năm tới.
Thế giới hiện đang phải đối mặt với hai cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine, Israel-Hamas, cả hai đều đang kéo sang năm 2024. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics đối với 130 doanh nghiệp, gần 40% số người trả lời coi xung đột Israel-Hamas là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới.
Ngoài ra, xung đột Israel-Hamas cũng làm dấy lên lo ngại về leo thang trong khu vực Trung Đông, bởi vì do khu vực này là một trong những tuyến đường vận chuyển đường biển bận rộn nhất thế giới. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Eo biển Hormuz hay Kênh đào Suez sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, bao gồm gần một nửa lượng vận chuyển dầu thô.
Theo giới phân tích, một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra sau đó và có thể trở nên trầm trọng hơn khi Nga hạn chế sản xuất nhằm làm suy yếu sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine. Điều này sẽ khơi dậy lạm phát và làm chậm hơn nữa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
Việc ứng dụng AI vốn đã phát triển nhanh chóng sẽ tăng tốc vào năm 2024, bắt đầu thúc đẩy năng suất, tính sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng sẽ xuất hiện, dưới dạng một cơn “sóng thần” thông tin sai lệch, qua văn bản cũng như các hình ảnh, âm thanh và video đã được chỉnh sửa mà người sử dụng bình thường rất khó phát hiện. Do đó, những kẻ có ý đồ xấu sẽ có thể thao túng chính trị, dư luận và thị trường hơn.
Sự trỗi dậy của AI khiến mọi tầng lớp xã hội đều cảnh báo nó có thể là mối đe dọa đối với sự tồn vong của loài người |
Ngay cả việc sử dụng hợp pháp AI cũng có thể gây ra những sự gián đoạn và điều tồi tệ hơn, số việc làm bị mất do AI thay thế, vốn đã và đang tăng lên, sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường lao động sẽ có sự xáo trộn lớn hơn, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ.
Ông Gary Gensler, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ cảnh báo, AI có thể gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính bằng việc thúc đẩy hành vi bầy đàn khi các bên tham gia thị trường tài chính đưa ra những quyết định tương tự nhau vì họ nhận được những tín hiệu giống nhau từ các công cụ AI được đào tạo trên cùng một bộ dữ liệu. Hơn nữa, việc quản trị AI sẽ đặt ra những thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các công ty.
Rủi ro từ biến đổi khí hậu
Sẽ không có sự thống kê rủi ro nào hoàn chỉnh nếu không tính đến những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) mới đây đã phân loại các hiện tượng thời tiết cực đoan làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc loại “có khả năng xảy ra cao” vào năm 2024.
EIU cảnh báo, sự quay trở lại của hiện tượng El Nino có thể dẫn đến nhiệt độ toàn cầu cao hơn. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các đợt nắng nóng và hạn hán, từ đó có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đe dọa an ninh lương thực, đặc biệt là ở các nước nghèo và dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt.
Năm 2024, vấn đề khí hậu El Nino có thể xuất hiện những diễn biến phức tạp, kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan |
“Mặc dù tất cả những rủi ro này dường như nghiêm trọng, nhưng có thể chúng ta sẽ được chứng kiến một số diễn biến bất ngờ tích cực trong năm 2024. Ví dụ, có thể FED sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, mang tính phủ đầu để ngăn chặn suy thoái, điều này sẽ giúp giảm lãi suất cho nền kinh tế thế giới”, EIU nhận định.
Bên cạnh đó, EIU cho rằng, có thể vào năm thứ 3 của cuộc chiến, Nga và Ukraine sẽ đạt được một giải pháp hóa bình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, kịch bản này dường như để hi vọng hơn là thực tế.