Không phải ngẫu nhiên Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là quốc tế hóa giáo dục đại học và thu hút sinh viên quốc tế là một giải pháp quan trọng. Tuyển sinh sinh viên quốc tế, các trường không chỉ tăng thêm nguồn thu từ học phí, mà còn nâng cao tính đa dạng trong môi trường học thuật và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh viên quốc tế cũng mang lại màu sắc, văn hóa, tư tưởng mới, từ đó tăng cường hiểu biết toàn cầu, kích thích sự trao đổi và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, hiện nay sự phát triển của kinh tế thế giới nghiêng về khu vực Đông Á, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cục diện này mở ra nhiều cơ hội việc làm cho du học sinh các nước khi chọn Việt Nam để học tập. Nhiều trường/ngành đại học ở Việt Nam đạt chuẩn kiểm định quốc tế, khu vực, thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng học phí khá cạnh tranh…
Với thế và lực mới, tiềm năng để Việt Nam gia tăng lưu học sinh rất lớn. Nhưng, thu hút lưu học sinh không phải là câu chuyện của từng trường trong bài toán tăng thu, tăng điểm kiểm định chất lượng, mà còn là câu chuyện kinh tế, văn hóa, ngoại giao của quốc gia. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các nhà trường, rất cần rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam.
Gần đây, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND TPHCM hoàn thiện Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên của khu vực và thế giới. Hy vọng tới đây, từ thực tiễn đẩy mạnh thu hút lưu học sinh ở thành phố này sẽ sớm hình thành cơ chế chính sách “xuất khẩu giáo dục” đủ mạnh, mang tầm quốc gia.