Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường đại học sẽ sử dụng nhiều phương thức khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó mỗi trường sẽ có hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong Đề án tuyển sinh 2022.
Vì thế, thí sinh phải tham khảo Đề án tuyển sinh của các trường dự định xét tuyển trước khi đăng ký dự thi ĐGNL. Thông thường, thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào một ngành/trường nào đó bằng cả 2 phương thức thi ĐGNL và tốt nghiệp THPT (nếu trường dùng 2 phương thức này để tuyển sinh), thậm chí sử dụng đồng thời các phương thức xét tuyển khác như: Học bạ, chứng chỉ tiếng Anh…
Tuy nhiên, dù thí sinh có đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển bằng 1 phương thức. Vì thế, nếu đã trúng tuyển và xác nhận nhập học vào một trường bằng kết quả thi ĐGNL thì các phương thức khác của bạn sẽ bị xóa bỏ.
Nếu đã xác định đăng ký thi ĐGNL, các em hãy ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao của tất cả kỳ thi tham dự. Khi trúng tuyển bằng một phương thức nào đó vào trường mình yêu thích, hãy yên tâm xác nhận nhập học để ổn định cho bản thân và nhà trường. Như vậy đồng nghĩa đã tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho những thí sinh khác vào ngành học họ yêu mến.
Câu hỏi thi ĐGNL hướng tới đánh giá năng lực, từ cơ bản đến hiểu, và từ vận dụng thấp đến vận dụng cao chứ không phải là bài kiểm tra kiến thức. Thực tế cho thấy, hầu hết các thí sinh lớp 12 đã phần nào “định hướng” theo khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Ở một mức độ nào đó, các em đều gặp đôi chút khó khăn giống nhau với phần Khoa học (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa). Nếu thí sinh xác định thi đánh giá năng lực thì có thể làm đề thi tham khảo. Từ đó, sẽ thấy được mình cần luyện tập bổ sung những gì. Lưu ý, việc ôn luyện tại các trung tâm không mang lại kết quả gì cho thí sinh.
Năm 2021, nhiều thí sinh đã chọn nhiều ca thi để “giữ chỗ” gây lãng phí xã hội. Thống kê cho thấy, một số thí sinh thi lại lần thứ 2 hay 3 nhưng điểm bài thi không thay đổi đáng kể so với lần đầu vì bài thi ĐGNL không phải là bài kiểm tra kiến thức đơn thuần, mà là đánh giá năng lực người học sau khi tốt nghiệp chương trình THPT theo những nhóm năng lực xác định.
Dù tổ chức ở bất kỳ nơi nào, đều phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt đã được chuẩn hóa. Cấu trúc đề thi, mức độ khó dễ của từng đề thi được cân bằng giữa các thí sinh, ca thi, đợt thi và giữa địa điểm tổ chức thi. Dù thí sinh tham dự kỳ thi tại bất cứ nơi nào do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đều có giá trị như nhau.
Trung tâm Khảo thí không khuyến khích thí sinh đăng ký nhiều đợt thi trong năm vì điểm thi giữa các đợt thi của thí sinh hầu như không thay đổi. Ngược lại, tâm lý đăng ký đợt đầu để “thi thử” hay “thi chơi” sẽ không tốt cho chính thí sinh dự thi.