Thí sinh nên chọn hình thức xét tuyển nào để ‘chắc suất’ vào đại học

13/03/2023, 17:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 20 phương thức xét tuyển. Hiểu tiêu chí và lợi thế của mỗi phương thức, thí sinh có thể “chắc suất” vào đại học.

Trong 20 phương thức, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ nhập học cao nhất với 47,98%. Kế đến là xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), với 37,18%.

Tỷ lệ nhập học của 2 phương thức này chiếm 85,16%, xét trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, các kỳ thi đánh giá năng lực cũng được nhiều trường đại học ưu tiên.

Nhiều chuyên gia nhận định, các thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ càng để đảm bảo kết quả tốt nhất, phù hợp với nguyện vọng bản thân.

Kỳ thi đánh giá năng lực - có sự cạnh tranh cao

Thống kê từ Bộ GD&ĐT chỉ ra trong năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Số lượng thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực qua các năm cũng tăng mạnh.

xet tuyen hoc ba anh 1

Học sinh khóa 2022-2023 bắt đầu bước vào thời kỳ lựa chọn, định hướng tương lai.

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt I năm 2023 ghi nhận số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất từ trước đến nay với gần 91.500 thí sinh. Trong khi đó, nhiều trường đại học mong muốn có thể tận dụng nguồn nhân lực để tổ chức tốt kỳ thi đánh giá năng lực chung, giảm bớt các kỳ thi riêng lẻ.

Theo các chuyên gia, những kỳ thi đánh giá năng lực với bộ đề và trình độ đa dạng sẽ trở thành xu hướng, được các trường ưu tiên trong thời gian tới. Thí sinh cũng được đăng ký nhiều đợt thi và có thêm cơ hội cải thiện kết quả.

Song song đó, nhiều giáo viên cũng nhận định các trường xét tuyển qua kỳ thi đánh giá năng lực thường là trường top đầu, có mức độ cạnh tranh cao. Đồng thời, kết quả xét tuyển từ kỳ thi này cũng đòi hỏi mức điểm khá cao.

Mặt khác, đề thi đánh giá năng lực có cơ cấu tính điểm riêng, nội dung ôn tập đa dạng. Đối với nhiều thí sinh, việc gồng gánh quá nhiều kiến thức trong thời điểm cận kề thi tốt nghiệp được xem là quá sức.

Nếu lựa chọn xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, thí sinh cần cân nhắc để đảm bảo thời gian ôn tập hợp lý, tránh nhồi nhét và quá tải.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT - cần chiến lược đăng ký nguyện vọng

Phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất, đạt 47,98% và chiếm ưu thế vượt trội.

Với việc tận dụng kết quả từ một kỳ thi bắt buộc, thí sinh có thể tập trung cho mục tiêu, tránh ôn tập quá dàn trải hoặc phân sức cho nhiều “mặt trận” khác nhau.

xet tuyen hoc ba anh 2

Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là hình thức được chọn nhiều nhất.

Tuy nhiên, với việc có đến 20 phương thức xét tuyển được các trường đại học áp dụng, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng bị cắt giảm.

Điều này dẫn đến việc điểm chuẩn của phương thức này sẽ khá cao, khiến nhiều thí sinh thi tốt nhưng có thể vẫn trượt đại học. Do vậy, thí sinh cần có chiến lược đăng ký nguyện vọng phù hợp khi xét tuyển bằng phương thức này.

Không ít ý kiến cho rằng cánh cửa bước chân vào trường “top” dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ ngày càng hẹp do chỉ tiêu giảm. Áp lực thi cử cũng là điều có thể khiến các thí sinh không đạt được điểm rơi phong độ tốt nhất, dễ kéo theo kết quả thi cũng không được như nguyện vọng.

Xét tuyển học bạ - cơ hội vào đại học sớm

Năm 2022, có đến 37,18% thí sinh nhập học bằng kết quả xét tuyển học bạ THPT. Đây là hình thức có số lượng thí sinh lựa chọn nhiều thứ 2 sau xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hình thức xét tuyển học bạ THPT mang đến cho các thí sinh sự an tâm khi cơ hội cầm chắc “tấm vé” vào đại học khá cao với nhiều lựa chọn khác nhau, phù hợp nguyện vọng, sở thích.

Bên cạnh việc dễ dàng thực hiện, xét tuyển học bạ THPT ngay từ đợt đầu tiên giúp các thí sinh cởi bỏ phần nào gánh nặng tâm lý lẫn áp lực thi cử. Khi đã an tâm về cơ hội trúng tuyển, các thí sinh có thể dễ dàng dồn sức để đạt thành tích tốt trong kỳ thi tốt nghiệp quan trọng.

xet tuyen hoc ba anh 3

Xét tuyển học bạ là xu hướng được nhiều thí sinh chọn lựa.

Song, tỷ lệ "chọi" của phương thức xét tuyển học bạ cũng khá cao, theo quy tắc điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn đợt trước và xét tuyển từ cao xuống thấp. Thí sinh có thể chủ động về khả năng trúng tuyển của mình bằng cách nộp hồ sơ từ sớm.

Một số trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ từ tháng 2 và thường kéo dài đến tháng 8. Chưa kể, với mức điểm học bạ tốt, thí sinh có cơ hội nhận nhiều suất học bổng giá trị tương tự hình thức xét tuyển khác.

Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) là một trong những trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm, từ ngày 16/2. Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hoặc nhận thông tin hướng dẫn qua các kênh online để đăng ký xét tuyển phù hợp.

Năm nay, trường dự kiến dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ gồm xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (40%). Trường nhận hồ sơ học bạ đồng loạt cho cả 2 phương thức, theo điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ I, II lớp 11 và học kỳ I lớp 12), theo phương thức điểm trung bình 3 môn lớp 12. Điểm trung bình xét tuyển cả 2 phương thức là 18 điểm cho tất cả ngành đào tạo.

Bên cạnh những lợi thế khi có nhiều phương thức xét tuyển, các thí sinh cần phải nắm chắc cơ hội của bản thân, lựa chọn hình thức mang đến kết quả giúp bản thân và gia đình hài lòng nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thí sinh nên chọn hình thức xét tuyển nào để ‘chắc suất’ vào đại học