Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

05/01/2024, 10:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của giáo viên, học sinh và trường đại học. 

Giảm áp lực cho thí sinh

Tán thành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Nguyễn Phương Anh – học sinh lớp 11 Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: "Phương án này tạo thuận lợi để chúng em chọn những môn học theo sở thích và định hướng đăng ký xét tuyển đại học.

Với phương án mà Bộ GD&ĐT công bố, chúng em được lựa chọn 2 trong số 9 môn học. Việc này giúp chúng em lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân".

Hiện, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Hiệu trưởng Dương Hai Bảy Mươi cho hay, một trong những giải pháp là, nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá trung thực với yêu cầu dạy, học toàn diện, sẵn sàng đáp ứng với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Để giúp học sinh lớp 11 làm quen với các kỳ thi, nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ với một số môn theo đề chung. Nhà trường sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát thường xuyên trên quy mô toàn khối.

Qua đó kịp thời điều chỉnh trong tổ chức dạy học và hỗ trợ học sinh. Đồng thời hướng dẫn giáo viên, học sinh làm quen với đề thi theo định hướng của đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT.

Tán thành phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn, gồm: 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn; ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nhìn nhận, phương án này giảm áp lực cho thí sinh, giúp các em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Việc thay đổi số môn thi THPT từ năm 2025 giúp học sinh giảm áp lực học tập, thi cử; từ đó có thời gian tập trung vào các môn mình lựa chọn.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu và hướng dẫn các trường THPT kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là với học sinh lớp 11 theo định dạng đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT” - ông Tạ Việt Hùng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Sở sẽ bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để có định hướng cho các trường trong dạy – học và kiểm tra, đánh giá.

Học sinh THPT của Sở GD&ĐT Bắc Giang tích cực, chủ động học tập. Ảnh: Internet.
Học sinh THPT của Sở GD&ĐT Bắc Giang tích cực, chủ động học tập. Ảnh: Internet.

Không ảnh hưởng đến quyền lợi tuyển sinh

Thi tốt nghiệp THPT 4 môn cũng không làm mất đi quyền lợi của các em trong tuyển sinh đại học, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) quả quyết và cho rằng, tiến tới các trường sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Đối với phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới để tăng cơ hội cho thí sinh. Sự điều chỉnh này sẽ căn cứ trên thực tế việc lựa chọn môn học của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thực tế, hầu hết các trường đại học đều áp dụng đa dạng phương thức tuyển sinh; trong đó xét tuyển bằng học bạ hoặc kết quả của các kỳ thi độc lập do một số cơ sở giáo dục đại học.

Với phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn của Bộ GD&ĐT, các tổ hợp truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký vẫn được giữ lại như: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Lý - tiếng Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - tiếng Anh…

Trong khi hầu hết các trường vẫn xây dựng tổ hợp xét tuyển dựa trên các môn truyền thống. Các môn này, học sinh vẫn được học, giảng dạy đầy đủ ở trường, lớp.

“Về cơ bản, trong hai năm tới (2024, 2025), công tác tuyển sinh của Trường ĐH Duy Tân vẫn giữ ổn định” – TS Võ Thanh Hải thông tin và cho biết, một số điều chỉnh trong tuyển sinh sẽ được nhà trường thông báo sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục hoàn thiện đề án tuyển sinh, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2025-2030: Giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT trên giấy. Giai đoạn sau năm 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Phấn đấu đến khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh