Thị trường nghệ thuật Việt 'hút' người trẻ

Trần Hoà | 11/05/2023, 08:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khi nhiều ngành nghề gặp khó trong việc tìm đầu ra cho công việc, thì cứ 100 sinh viên mỹ thuật ra trường lại có khoảng 97% tìm được việc.

Tuy nhiên, khu vực việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường mỹ thuật chủ yếu là khu vực tư nhân hoặc tự tạo việc làm, tiếp đến là khu vực có yếu tố nước ngoài. Khu vực thuộc Nhà nước rất hiếm, hoặc gần như không có.

Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Thị trường nghệ thuật Việt 'hút' người trẻ ảnh 1
Giám tuyển Ace Lê và nghệ sĩ Xuân Lam, Trương Uyên Ly chia sẻ về thị trường nghệ thuật tại Việt Nam.

Theo giới nghiên cứu, thị trường nghệ thuật ở Việt Nam đang vận động và biến đổi mạnh mẽ chưa từng thấy. Dễ nhận biết nhất, có lẽ ở việc mua bán tác phẩm nghệ thuật và “đầu ra” công việc đối với sinh viên mới ra trường.

Chính sự vận động và biến đổi mạnh mẽ ấy đã kích thích sự sáng tạo của nghệ sĩ, thu hút người trẻ tham gia vào lĩnh vực này. Đây không chỉ là thành công mà còn là thách thức phát xuất từ một thị trường tiềm năng bùng nổ.

Vấn đề đặt ra ở đây, là nghệ sĩ sẽ đối diện thế nào và người trẻ sẽ dấn thân theo cách nào để Việt Nam có một thị trường nghệ thuật lành mạnh và bền vững?

Để có một bức tranh tổng thể, nhóm nghiên cứu gồm các nghệ sĩ và giám tuyển nghệ thuật: Ace Lê, Xuân Lam và Trương Uyên Ly đã có buổi tọa đàm trò chuyện với chủ đề “Nghệ sĩ đối diện với thị trường - một khung cảnh không ngừng biến đổi” diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA vào cuối tháng 4/2023 vừa qua.

Buổi trò chuyện khai mở về một bức tranh thị trường đã mang đến không khí thảo luận tích cực sôi nổi, thu hút công chúng thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề quan tâm đến văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, trong đó có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, sinh viên nghệ thuật, các nhà nghiên cứu, giới sưu tập, nhà tổ chức, người thực hành văn hoá sáng tạo...

Thông qua những câu chuyện, chia sẻ, hiểu biết phong phú đúc kết từ quan sát, trải nghiệm thực tế của các khách mời, buổi trò chuyện phần nào đưa ra những hình dung về quang cảnh hệ sinh thái nghệ thuật hiện nay.

Song hành với đó là chuỗi giá trị, sự vận hành của hệ thống cung - cầu cùng những nấc thang sự nghiệp của nghệ sĩ gắn với hệ quy chiếu giá trị văn hóa - kinh tế.

Nhìn nhận thị trường nghệ thuật Việt Nam, công chúng và những người thực hành nghệ thuật có những mường tượng rõ ràng, cụ thể hơn về con đường phát triển sự nghiệp, sự định vị giá trị, vai trò cũng như chỗ đứng trong bối cảnh chung. Đồng thời đề xuất các ý tưởng và hướng đi để xây dựng, phát triển một thị trường nghệ thuật minh bạch, lành mạnh hơn tại Việt Nam.

Một điểm dễ thấy cho sự vận hành tiến lên của nghệ thuật Việt Nam chính là việc làm đối với sinh viên mới ra trường. Theo các báo cáo khảo sát tình hình việc làm những năm gần đây, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, tỉ lệ sinh viên có việc làm lên tới 97% (số liệu năm 2020).

Trong khi đó, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM có 136 sinh viên tốt nghiệp/năm, tỉ lệ có việc làm là 100% (số liệu năm 2022), Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp có 325 sinh viên tốt nghiệp/năm, tỉ lệ có việc làm là 95.71% (số liệu 2020).

Khu vực việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường mỹ thuật chủ yếu là tư nhân hoặc tự tạo việc làm, tiếp đến là khu vực có yếu tố nước ngoài. Khu vực thuộc Nhà nước rất hiếm, hoặc gần như không có.

Điều này đặt ra câu hỏi về sự vận hành của thị trường nghệ thuật trong lĩnh vực công - tư, cũng là đáp áp cho sự phát triển chung khi tư nhân tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật.

Hiểu thị trường để phát triển nghệ thuật

Thị trường nghệ thuật Việt 'hút' người trẻ ảnh 2
Bức tranh 'Gia đình trong vườn' của Lê Phổ mới được đấu với mức giá 2.37 triệu USD - trở thành tác phẩm cao thứ hai trong lịch sử đấu giá tranh Việt Nam.

Ace Lê - nhà nghiên cứu nghệ thuật và là giám tuyển nghệ thuật nổi tiếng, hiện đang giữ vai trò là Giám đốc Điều hành đầu tiên của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam bật mí rằng: Một trong những thước đo của thị trường nghệ thuật chính là giá cả của tác phẩm.

“Nhìn vào giá cả, chúng ta phần nào đánh giá được tác phẩm. Giá cả là một trong những thước đo về độ quan trọng bên cạnh giá trị khác như lịch sử, văn hoá… Đặc biệt, trong cơ chế thị trường mở và sự hội nhập sâu rộng như hiện nay, giá cả mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng”, ông Ace Lê cho hay.

Thước đo giá cả cho tác phẩm hiện nay cũng phản ánh sự biến đổi của thị trường tại Việt Nam. Cách đây vài chục năm, tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam chịu sự chi phối của cơ chế bao cấp, cào bằng và mang ý nghĩa cộng đồng, biểu trưng, khích lệ nhiều hơn là ý nghĩa nghệ thuật và giá trị kinh tế.

Điều này, ngoài mặt lợi thì tác hại cũng không ít, vô số tác phẩm ngấm ngầm “chảy máu” ra nước ngoài, người sáng tác bị động, việc hợp tác với các gallery gần như không có, công việc cho nghệ sĩ chỉ gói gọn trong khu vực Nhà nước…

Là người trực tiếp thực hành nghệ thuật, hoạ sĩ Xuân Lam cho hay, khi làm việc cho một phòng tranh, anh nhận ra một quy luật tự nhiên, rằng hoạ sĩ nào bán được tranh thì mãi bán được tranh, ngược lại sẽ rất khó để bán đi một vài bức.

Việc xuất hiện nhiều hoạ sĩ gạo cội đắt hàng kéo theo sự ế ẩm tranh do các nghệ sĩ trẻ sáng tác. Bởi vậy, người trẻ dù rất yêu mến nghệ thuật truyền thống, theo đuổi nghệ thuật chính thống từ trong trường học nhưng nếu “ra đời”, không có sự thay đổi, bứt phá thì rất khó thành công.

Giới nghiên cứu đánh giá, trong một vài năm tới thị trường nghệ thuật ở Việt Nam tiếp tục biến đổi. Nghệ sĩ, nhà sưu tập, giới tổ chức và kết nối cùng đội ngũ những người thực hành nghệ thuật tại Việt Nam cần nhận diện cung - cầu, chuỗi giá trị và hệ sinh thái nghệ thuật… nhằm khẳng định chỗ đứng, cũng như xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững.

Theo nhà nghiên cứu Ace Lê, nghệ sĩ muốn xác định, hiểu thấu đáo về giá trị cung cầu thì phải nghiên cứu rất sâu để biết hệ quy chiếu của mình đang nằm ở đâu. Đó là một cuộc chơi, nghệ sĩ có quyền được chọn triển lãm ở địa điểm nào, hợp tác với gallery nào, nhưng cuối cùng đều phải nhận thức và hiểu thị trường.

Bài liên quan
'Nghệ thuật mua nghệ thuật' ra mắt tại Hà Nội
Sau 3 lần ra mắt công chúng tại Đà Lạt, TPHCM và Huế - ngày 22/4 tới đây “Nghệ thuật mua nghệ thuật” chính thức có mặt tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường nghệ thuật Việt 'hút' người trẻ