'Nghệ thuật mua nghệ thuật' ra mắt tại Hà Nội

Trần Hoà | 22/04/2023, 09:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau 3 lần ra mắt công chúng tại Đà Lạt, TPHCM và Huế - ngày 22/4 tới đây “Nghệ thuật mua nghệ thuật” chính thức có mặt tại Hà Nội.

Ra mắt sách nhưng không phải để bán sách, vì sách đã bán hết trước sức hút quá lớn của thị trường nghệ thuật Việt đang độ phát triển mạnh. Ra mắt sách tại Hà Nội, nhóm nghệ sĩ muốn gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ với độc giả, các nghệ sĩ và giới sưu tập nghệ thuật những trải nghiệm nhằm hạn chế tối đa học phí, máu và chất xám… trước một thị trường thật giả lẫn lộn.

Hạn chế học phí, máu và chất xám

“Nghệ thuật mua nghệ thuật” (nguyên tác “The Art of Buying Art”) do NXB Mỹ thuật ấn hành, có tít phụ “Đánh giá và mua tác phẩm như nhà sưu tập chuyên nghiệp” do nhóm Artoholics Saigon thực hiện bởi các dịch giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ: Khổng Loan, Hiền Nguyễn và Lý Đợi.

mua-nghe-thuat-1.jpg

“Nghệ thuật mua nghệ thuật” (nguyên tác “The Art of Buying Art”).

Nguyên tác “The Art of Buying Art” do nhà cố vấn nghệ thuật lừng danh Alan Bamberger biên soạn, hướng dẫn người mua nghệ thuật cách đánh giá và mua tác phẩm tốt với giá hợp lý. Bởi vậy “Nghệ thuật mua nghệ thuật” chứa đựng mọi thông tin, từ cơ bản tới chuyên sâu mà bất cứ ai đã, đang hoặc có ý định dấn thân vào sự nghiệp sưu tập nghệ thuật đều cần, bởi ít nhất giúp hạn chế học phí, máu và chất xám.

Như một cuốn giáo trình nhập môn, tập sách đưa ra lời khuyên và hướng dẫn cho những ai muốn bắt đầu con đường sưu tập nghệ thuật, vạch ra giới tuyến về những gì cần làm và không nên làm khi muốn sở hữu tác phẩm.

Nội dung sách cung cấp cho người đọc thông tin ở mọi góc độ, sự lựa chọn/so sánh trong việc chơi/không chơi; cần đọc gì, học gì, nghe ai khi trở thành người nghiên cứu và sưu tập; làm thế nào để tránh khỏi những sai lầm/bị lừa trong việc mua tác phẩm.

Ngoài nghiên cứu nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật, tính nguyên bản và các thẩm định, lai lịch tác phẩm, sự hư hại, việc làm giả, làm nhái và lừa đảo cũng được Alan Bamberger đề cập rõ. Qua nhiều năm tháng, dù đời sống và kỹ thuật thay đổi, nhưng các nguyên tắc cơ bản liên quan tới quyết định mua tác phẩm nghệ thuật vẫn như trước. Chưa bao giờ người mua có thể tiếp cận được thông tin nhiều như hiện nay về tác phẩm mà họ sẽ mua. Điều đó có nghĩa là tìm ra đường đi trong thế giới nghệ thuật, để tìm ra tác phẩm nghệ thuật phù hợp đôi khi cần sự tinh tế.

“Ngày xưa, sở hữu tác phẩm nghệ thuật nguyên bản không có gì phức tạp… Giờ đây, mua tác phẩm nghệ thuật (và cả bán) là công việc kinh doanh nghiêm túc, và hơn bao giờ hết, người mua ngày nay quan tâm nhiều hơn về việc họ mua được tác phẩm tốt và có giá trị tốt với số tiền mình có. Nói đơn giản, mọi người muốn tiêu tiền một cách khôn ngoan, dù họ mua bất kỳ thứ gì, và đây chính xác là nội dung mà Nghệ thuật mua nghệ thuật hướng dẫn cho bạn khi bạn mua nghệ thuật”

Alan Bamberger

Tuy nhiên, nhóm Artoholics Saigon cho rằng cuốn sách của Alan Bamberger thậm chí sẽ làm nản lòng người đọc hơn là khuyến khích họ bước vào hành trình. Mua bán tác phẩm – nghĩ thì đơn giản khi chúng ta nhìn nhận bằng đôi mắt của những bí mật kinh doanh đơn thuần, một khu rừng chằng chịt nhà đấu giá, nghệ sĩ, môi giới, trang web trực tuyến công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, ẩn khuất sau những minh bạch ấy là những cây độc, cây ăn thịt người. Chúng dụ con mồi vào một khu rừng hoa thơm quả ngọt, để rồi tiết ra mùi hương dẫn dụ đánh mê. Thị trường nghệ thuật nhiều chiêu trò, không phải là nơi dành cho những kẻ lơ mơ – vì chính những người vốn sành sỏi, đôi khi và nhiều lúc còn bị những hấp lực đánh lừa.

“Nghệ thuật mua nghệ thuật” còn là nghệ thuật nhìn người, nhìn tính chân xác tác phẩm, nghệ thuật đàm phán, môi giới. Tác giả không lờ đi các khía cạnh tiền bạc của nghệ thuật, ngược lại còn hiểu tầm mức quan trọng của các khái niệm đầu cơ, cổ tức, chi phí và lợi ích trong tài chính được áp dụng ra sao đối với người sưu tập.

mua-nghe-thuat-2.jpg
Nhóm Artoholics Saigon gồm: Lý Đợi, Khổng Loan, Hiền Nguyễn giao lưu với độc giả TPHCM.

Phản tỉnh để tránh bị… lừa

Ở một thị trường đang phát triển nhưng đầy lộn xộn, vàng thau lẫn lộn, lộng giả thành chân như ở Việt Nam – với loạt sự vụ tranh giả, tranh nhái, đánh tráo khái niệm… thì việc dấn thân vào con đường sưu tập buộc phải có nghệ thuật, nếu không - nhẹ thì sứt đầu mẻ trán, nặng thì tán gia bại sản hoặc chết!.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay, nhóm Artoholics Saigon quyết định mua bản quyền và chuyển ngữ ấn phẩm này vì đã từng va vấp và bước đầu biết được những khó khăn, phức tạp của thị trường nghệ thuật. Ấn phẩm nhằm đóng góp một công cụ thiết thực cho những ai quan tâm đến thị trường mỹ thuật hoặc muốn mua nghệ thuật, mà chưa có điều kiện đọc nguyên tác “The Art of Buying Art”.

Ấn hành năm 2022, “Nghệ thuật mua nghệ thuật” ra mắt đầu tiên ở Phố Bên Đồi tại Đà Lạt ngày 5/11/2022. Lần thứ hai diễn ra tại TPHCM vào ngày 12/12/2022. Lần thứ 3 tại không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (Huế) vào ngày 24/2/2023. Và lần thứ 4, vào ngày 22/4 tới đây tại Hanoi Studio Gallery (23 – 25 Mạc Đĩnh Chi, Trúc Bạch, Ba Đình – Hà Nội).

“Chúng tôi chứng kiến bạn bè, người quen quan tâm tới nghệ thuật, muốn mua nhưng không biết bắt đầu từ đâu, gặp ai trò chuyện, định giá ra sao, thưởng thức thế nào. Chúng tôi cũng đã từng như thế, và giờ vẫn vậy. Nhưng có điều may mắn là chúng tôi có thể tìm kiếm được công cụ hỗ trợ để bổ sung vào sự hiểu biết”, đại diện nhóm Artoholics Saigon cho hay.

mua-nghe-thuat-3.jpg

Một phòng tranh rao bán bức tranh giả đề của hoạ sĩ Lưu Công Nhân.

Tuy nhiên khác các sách công cụ thường thấy, “Nghệ thuật mua nghệ thuật” không độc quyền chân lý, mà luôn được viết với góc nhìn trung tính, phản tỉnh. Luôn giúp người mua nghệ thuật có thể phản biện, đặt ra các câu hỏi, khi nào thật sự thấy sáng tỏ, thoải mái thì mới xuống tiền mua tác phẩm.

Theo nhiều hoạ sĩ, các phòng tranh là cầu nối quan trọng kết nối họa sĩ với thế giới. Tuy nhiên, phòng tranh cũng có thể là nơi kết nối tranh giả. Mới đây, giới mỹ thuật xôn xao vụ một phòng tranh rao bức “Nơi quê nhà” của Lưu Công Nhân và quả quyết “tranh có đủ giấy tờ xác nhận tác giả của gia đình”. Tuy nhiên sự thật lại không phải như vậy, và đang làm gia đình cố hoạ sĩ phải đau lòng.

Bài liên quan
Họa sĩ Kim Thái mở triển lãm nude ở tuổi 80
Nhìn những tác phẩm nude trong triển lãm 'Em Tuyết' của Kim Thái, mới thấy sức lao động sáng tạo tuyệt vời của một hoạ sĩ tuổi 80.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nghệ thuật mua nghệ thuật' ra mắt tại Hà Nội