Tác phẩm của Lê Quý Tông trong triển lãm 'Chất xúc tác' năm 2014. |
Sinh năm 1977 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2000, Lê Quý Tông nhanh chóng định hình tên tuổi và tạo được chỗ đứng vững chắc trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Thời gian, kí ức, sự trống trải, hoài nghi và quá trình liên tục chất vấn bản chất là những nguồn cảm hứng bất tận nuôi dưỡng sáng tác của Lê Quý Tông. Tất cả thúc giục họa sĩ lao động cùng lúc trên nhiều ý tưởng, với nhiều chất liệu khác nhau.
Luôn đượm buồn với tông màu lạnh thời thượng, tranh phong cảnh của Lê Quý Tông không một bóng người. Ở đó, người xem cô đơn đối diện với các biểu tượng của đô thị đang “lột xác” thành hiện đại hóa.
Ngược lại, chùm thử nghiệm với tranh chân dung lại đẩy người xem vào một thế giới mộng mị, được xây dựng bởi chồng ghép các tầng lớp mang sắc pastel và motif thị giác vừa quen vừa lạ.
Năm 2014, “Chất xúc tác” là triển lãm đánh dấu một khởi đầu mới đầy thú vị của Lê Quý Tông: “Tôi thích ý tưởng làm lạc hướng hoặc thay đổi ý nghĩa ban đầu của một hình ảnh bất kỳ. Chất liệu cho sáng tác của tôi là những hình ảnh truyền thông có sẵn trên Internet.
Những hình ảnh giải trí, thông điệp văn hóa truyền thống, lịch sử, sự hoà nhập, về sự biến đổi trong quá khứ và hiện tại, về dục vọng, cảm xúc… và người xem có suy nghĩ theo những cách khác nhau. Không cần phán xét hay kết luận. Series này, tôi không suy nghĩ về xây dựng ý nghĩa cụ thể mà nghĩ về việc tạo ra chất xúc tác cho suy nghĩ”.
Vào năm 2019, triển lãm nhóm AIF Summer cùng với 7 họa sĩ khác, “Vàng dòng, chương III - Endgame” của Lê Qúy Tông đưa tới những mảnh ghép lộn xộn, cần người xem hoàn thành nốt phần còn lại trong sự hình dung và tưởng tượng của chính họ.
Chủ nghĩa lãng mạn mới trong “Thổn thức mênh mang” do không còn ngữ cảnh chi tiết, việc tả hay kể gần như bị bỏ qua. Vậy nên những chỉ dấu cụ thể trở nên độc lập, cùng với các đường nét chồng đè và lớp lớp màu sắc bật lại. Chúng thiết lập một hệ thống ký hiệu thẩm mỹ, một lớp biểu tượng trung gian thay vì là đối tượng được diễn giải.
Trí tưởng tượng của người xem, thông qua hệ thống này được kích thích và gợi mở, trong khi tư duy thôi bị dẫn dắt. Việc diễn giải các biểu tượng sẽ theo đó giải phóng khỏi khuôn thước của chính trị, đạo đức và văn hóa.
Đi từ một xuất phát điểm cụ thể dựa trên tư liệu ảnh phổ biến và có sẵn, qua một quá trình lao động được đẩy đến tận cùng - “Thổn thức mênh mang” tiến tới một chỉnh thể bị làm nhiễu có phần trừu tượng.
Tuy nhiên, cũng vì thế mà tác phẩm gần hơn với bản chất, khiến người xem bớt phần thiên vị. Xem từ góc độ đó, tranh của Lê Quý Tông cung cấp cho công chúng một cách “thử nhắm mắt” và kháng cự lại sự bủa vây của những thông tin thị giác.
Không còn mang cặp mắt u uẩn và hoài nghi về thời gian, lịch sử, ký ức như ở “Lam/True Blue” – Những tác phẩm mới của Lê Quý Tông phóng khoáng, trực tiếp đón nhận đời sống và bản chất loài người trong sự chằng chịt của đắm say và xấu xí bạo tàn. “Thổn thức mênh mang” chính thức mở cửa từ 23/3 và kéo dài đến 22/4 tại hai không gian của Manzi.