Triển lãm “Em Tuyết” được lấy cảm hứng từ một phụ nữ tên Tuyết - một trong những mẫu nude ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày trước. Tuyết được họa sĩ Kim Thái chú ý vì có cơ thể cao to, thô mộc, chất phác. Vẻ đẹp của Tuyết không phải là vẻ đẹp đài các kiêu sa.
Với họa sĩ, chẳng có một định nghĩa cứng nhắc nào về cái đẹp. Bà nói rằng, cái đẹp chỉ có thể toát lên một cách tự nhiên từ cá tính, bản sắc riêng của mỗi con người. Những cái riêng ấy làm người họa sĩ say mê. Kim Thái là mẫu phụ nữ tinh tế và rất dịu dàng, tranh của bà đầy chất yêu đương, hạnh phúc và tươi mới.
Bởi vậy, những nét nude từ mẫu hình một phụ nữ thô mộc mang dáng hình nguyên thuỷ - vô tình làm “lộ” sự bất phàm về khí chất của cả nhân vật lẫn người họa sĩ.
Từng đường nét, hình khối, mảng màu… về phụ nữ có dáng vẻ khỏe khoắn đằm thắm, bình dị... đã khiến cho các tác phẩm nude của một người đàn bà vẽ về một người đàn bà càng thêm sức hút.
Tranh Kim Thái không chú trọng tả khối, thậm chí bà đã giản lược tả khối, vờn nét để tôn vinh bố cục và sự hài hòa của màu sắc. Khi vẽ phụ nữ khỏa thân, bà dường như khước từ việc mô tả cụ thể cơ bắp.
Đường cong, sự chuyển động của hình thể được diễn tả qua tư thế mẫu, được làm nổi bật trên cái nền hoặc tĩnh lặng hoặc có sự tham gia của các dải hay vệt màu khác lạ. Tất cả tạo ra tính khái quát cao cho hình tượng chính. Và người xem có cảm giác tranh bà thật phóng khoáng.
Nói như thế không phải họa sĩ vẽ những gì đơn giản mắt thấy, hay ghi chép những thứ hời hợt bên ngoài. Nghệ sĩ phải thấu cảm, phải chạm đến bản thể con người, chạm đến sự hoang sơ bản nguyên - để cảm nhận cái đẹp, cái hay, và cái đáng đưa vào tác phẩm.
Họa sĩ Kim Thái thẳng thắn rằng, rất ngại để nói về tranh, và cũng rất ngại để người khác viết gì đó về mình. Bà muốn lặng lẽ chuyển tải cái đẹp, cái thiện như suốt 60 năm qua đã làm. Với nghệ thuật, bà quan niệm rằng đó là trách nhiệm của nghệ sĩ.
Lúc điêu khắc gia Lê Công Thành còn sống, bà thường tham gia triển lãm để chồng xem cho vui. Sau khi ông mất, bà ít mặn mà chuyện triển lãm, dù vẫn vẽ thường xuyên, thậm chí vẽ nhiều. Vì vậy, triển lãm cá nhân “Em Tuyết” cũng là sự bất ngờ mà Kim Thái mang đến cho công chúng mộ điệu.
Nhà nghiên cứu Lý Đợi nhận định rằng, chính những phụ nữ nguyên thủy này đã cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của Kim Thái với Lê Công Thành. Các chủ đề khác thì dường như không, nhưng tranh phụ nữ của bà vô tư hơn, nữ tính hơn, ít chặt chẽ về bố cục, về kỹ thuật như tranh của Lê Công Thành.