Nhưng đối với học sinh các lớp Toán, Lý, Hóa của các khối 10, 11, 12 thì chỉ dạy nội dung cơ bản, không quá chú trọng những đơn vị kiến thức. Trên cơ sở những nhân vật, sự kiện lịch sử liên quan, giáo viên có thể kể những câu chuyện, thông tin bên lề để các em hiểu và hứng thú hơn khi học.
Mặt khác, trong các tiết dạy sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép tích hợp các tư liệu, phim ảnh, âm thanh… để học sinh không chỉ cảm nhận bài học qua lời giảng mà còn được xem và thu thập kiến thức qua hình ảnh, tư liệu…
Cô Tâm cũng cho biết, dạy học Lịch sử với những lớp học không chuyên cũng áp dụng “giao việc” cho học trò nhưng không quá nặng nề. Nhóm 2-3 học sinh có thể tìm hiểu về một vấn đề sau đó trình bày những vấn đề tìm hiểu được. Những học sinh khác sẽ đặt câu hỏi cho nhóm học sinh được giao tìm hiểu và thuyết trình để cùng thảo luận và tìm ra câu trả lời… Giáo viên chỉ trình bày những nội dung cứng chứ không đóng vai trò chính của việc tìm hiểu kiến thức.
Đổi mới phương pháp cũng đi liền với đổi mới kiểm tra đánh giá. Giáo viên có thể cho điểm học sinh từ quá trình tìm hiểu và thuyết trình thay cho kiểm tra bài cũ. Thậm chí, với học sinh đặt ra câu hỏi hay hoặc có lý giải tốt trong quá trình học tập cũng được cho điểm thay cho bài kiểm tra.
Các nội dung, vấn đề để kiểm tra đánh giá sẽ trọng tâm chứ không dàn trải hoặc đặt ra những vấn đề quá lớn giúp học sinh dễ học và nắm sâu kiến thức.
Cô Lê Thị Linh, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng khẳng định: Học sinh về cơ bản thích học lịch sử, nhưng để các em hiểu sâu và hứng thú với môn học phụ thuộc nhiều vào phương pháp truyền đạt của giáo viên.
Theo cô Linh, để có giờ học sinh động, bản thân giáo viên phải chấp nhận “vất vả” hơn, đầu tư chuyên môn, giáo án, bỏ công sức để sưu tầm tư liệu, thông tin, hình ảnh… đưa vào bài giảng tạo sự mới mẻ, thu hút.
Đặc biệt, dạy học lịch sử nhưng giáo viên cần gắn với thực tế người học. Như vậy, học sinh sẽ thấy những bài học trong lịch sử có giá trị hiện thực cho tới hôm nay chứ không phải là những lời nói suông, hay rao giảng đạo đức…
Cô Linh cũng cho rằng đổi mới dạy học lịch sử để học sinh hứng thú phải đổi mới cả phương pháp giảng dạy lẫn kiểm tra đánh giá. Nếu trước đây dạy học và kiểm tra nặng nề về sự kiện, dữ liệu khiến học sinh nhàm chán, sợ học thì hiện nay các bài kiểm tra đánh giá cần hướng tới dạy học sinh biết đánh giá, suy luận, nhìn nhận sự kiện lịch sử...
Ví như, với nhân vật lịch sử A có thể đặt câu hỏi em có thích nhân vật không? vì sao? từ đó học sinh sẽ nhìn nhận kiến giải theo hiểu biết, suy nghĩ của mình. Tuyệt nhiên không nên áp đặt học sinh phải thích nhân vật này theo cách diễn giải của sách vở hay của giáo viên. Kiểm tra đánh giá cũng cần làm sao để học sinh được bày tỏ ý kiến, phát huy được phẩm chất năng lực của bản thân.
Sẽ khó đạt được mong muốn tạo sự hứng cho học sinh khi học Lịch sử nếu giáo viên chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà kiểm tra đánh giá vẫn đi theo “lối mòn” truyền thống và ngược lại.