Thiết bị đào tạo tự làm của ngành nông nghiệp còn… 'đuối'

Ngọc Trang | 12/10/2022, 06:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 2022 có 381 thiết bị của 191 cơ sở GD nghề nghiệp đến từ 57 tỉnh, thành phố đăng ký Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII.

Lan tỏa phong trào tự làm thiết bị

Trong đào tạo nghề, tỷ lệ thực hành chiếm khoảng 70% thời gian, đòi hỏi tính trực quan, sát với thực tiễn cao. Người học phải thực hành để hình thành kỹ năng nghề. Do đó, thiết bị đào tạo chính là phương tiện giúp người dạy truyền đạt kiến thức, kỹ năng và giúp người học hình thành kỹ năng nghề.

Hơn nữa, nhu cầu đào tạo nghề của học sinh, sinh viên tăng qua từng năm trong khi ngân sách Nhà nước, các cơ sở đào tạo có hạn chưa thể bổ sung, thay thế kịp thời các thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Vì vậy việc nghiên cứu, sáng tạo làm thiết bị phục vụ cho việc đào tạo là việc làm cần thiết và thường xuyên.

Ông Nguyễn Ngọc Tám, Vụ Cơ sở vật chất và Thiết bị dạy nghề cho biết: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc là cơ hội để đội ngũ nhà giáo, học sinh phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc chế tạo các thiết bị đào tạo có chất lượng. Những sản phẩm này với mong muốn phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào dạy và học. Đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.

Hội thi cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo. Hơn nữa, tạo phong trào tự làm thiết bị rộng rãi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thiết bị tham gia Hội thi phải là những thiết bị đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự làm và được ứng dụng trong quá trình giảng dạy.

Ông Nguyễn Ngọc Tám cho biết, năm nay có những thiết bị dạy và học trong lĩnh vực nông nghiệp được các nhà giáo gửi tới tham dự hội thi. Một số các thiết bị có thể kể tên như: Thiết bị cơ khí, mô hình tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

“Tuy nhiên, đánh giá chung thì thấy các thiết bị tham gia giảng dạy trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia hội thi còn ít, chưa có những thiết bị có tính sáng tạo cao, xuất sắc. Nhìn chung vẫn còn đuối so với một số các ngành nghề khác”, ông Tám nói.

Có thể sản xuất đại trà

Chia sẻ thêm về số lượng các thiết bị đào tạo gửi tại Hội thi, ông Đỗ Năng Khánh, Trưởng ban Tổ chức cho rằng, dù đã huy động được lực lượng sản phẩm, nhà giáo gửi thiết bị dự thi nhưng các sản phẩm vẫn còn ít. Đồng thời chưa có độ bao phủ rộng khắp trong các lĩnh vực đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều ngành nghề chưa có cả thiết thị dự thi. Ví dụ như: Ngành y dược; ngành mỹ thuật (chỉ có điêu khắc)... Hoặc ngành công nghệ thông tin, dù là ngành được đào tạo rất mạnh, từng tham gia cả 6 hội thi trước đó, nhưng đến nay cũng chỉ có rất ít thiết bị gửi dự thi.

“Chúng tôi mong muốn thầy cô, các trường sáng tạo ra nhiều thiết bị dạy học và dự thi. Điều này không chỉ tạo phong trào, mà sâu xa hơn nó sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở GDNN. Đồng thời, việc sáng tạo ra những thiết bị giảng dạy cũng mang lại những giá trị kinh tế to lớn, bởi các thiết bị tự làm thường rẻ hơn mua. Điều quan trọng nhất mà hội thi mang lại đó là qua đây sẽ phát động phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong dạy và học tại các cơ sở GDNN”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng nói thêm, Tổng cục GDNN mong muốn các cơ sở GDNN cũng phải dành một nguồn kinh phí để chi cho các hoạt động sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng chế thiết bị. Tuy nhiên, hiện nay do có nhiều khó khăn nên mong muốn này chưa được hiện thực hóa.

Theo đó, các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề: Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông với 177 thiết bị, chiếm 46%; Công nghệ kỹ thuật cơ khí 98 thiết bị, chiếm 26%; Máy tính và Công nghệ thông tin 30 thiết bị, chiếm 8%; Tổng hợp 76 thiết bị, chiếm 20% (gồm thiết bị của các nghề: Y tế, Xử lý nước thải; Nuôi trồng thủy sản; Thú y, Kỹ thuật xây dựng; Điêu khắc; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Sản xuất chế biến…

Trong đó, tác giả, nhóm tác giả dự thi đều là những nhà giáo có kỹ năng nghề cao và đã từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao và đang áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở GDNN. Cũng có tác giả là những giáo viên trẻ lần đầu tham gia Hội thi.

Ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các tác giả, nhóm tác giả dự thi quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị. Do vậy, nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường.

Đáng chú ý, nhiều thiết bị thể hiện xu hướng tích hợp các thiết bị, mô hình và xu hướng kết hợp sử dụng cho nhiều nghề trên một thiết bị. Nhiều thiết bị tham dự hội thi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của một sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà.

Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức từ ngày 10/10 - 14/10 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến từ 57 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia.

Bài liên quan
Thúc đẩy công bằng trong giáo dục nghề nghiệp
Chuyên gia đề xuất tiếp tục rà soát, đánh giá và hoàn thiện các quy định đối với bình đẳng giới, người khuyết tật và người bị thiệt thòi, yếu thế...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết bị đào tạo tự làm của ngành nông nghiệp còn… 'đuối'