Thiếu chất béo, trẻ khó phát triển!

05/08/2019, 11:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bữa ăn hàng ngày thiếu hụt chất béo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh. Hậu quả là trẻ chậm tăng trưởng và thiếu dinh dưỡng.

Hàm lượng chất béo khuyến nghị cho trẻ

Chất béo (Lipid) là nguồn dinh dưỡng chính để cấu trúc não bộ trẻ trong giai đoạn vàng 3 năm đầu đời (60% thành phần vật chất của não bộ là chất béo), đồng thời hỗ trợ hấp thu các vitamin A, D, E, K vốn chỉ tan trong dầu. Bữa ăn hàng ngày thiếu hụt chất béo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể trẻ, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh. Hậu quả là trẻ chậm tăng trưởng và thiếu dinh dưỡng.

Hàm lượng chất béo khuyến nghị theo từng độ tuổi như sau:

Nhóm tuổi/Tình trạng sinh lý

Hàm lượng khuyến nghị (g/ngày)

Nam

Nữ

6-8 tháng

22-29

20-27

9-11 tháng

23-31

22-29

1-2 tuổi

33-44

31-41

3-5 tuổi

36-51

34-48

Ở trẻ em, tỉ lệ cần thiết giữa chất béo động vật và chất béo thực vật được khuyến nghị là 70% chất béo động vật và 30% chất béo thực vật. Trong các loại chất béo tốt cho trẻ, quan trọng bậc nhất là Omega-3 và Omega-6 do nắm vai trò quyết định cho sự phát triển trí não và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, hai loại chất béo này phải được bổ sung qua con đường thực phẩm do cơ thể không thể tự tổng hợp. Hàm  lượng khuyến nghị của Omega-3, Omega-6 cho trẻ từ 1-3 tuổi cụ thể như sau:

  • Omega 6: 3,0g/ngày
  • Omega 3: 0,5g/ngày

Đặc biệt, trong nhóm Omega 3, có 2 dưỡng chất rất cần được chú trọng là DHA và EPA. Đây là 2 dưỡng chất tham gia trực tiếp vào quá trình sinh trưởng của tế bào não và hệ thần kinh. Cha mẹ cần bổ sung đủ DHA, EPA cho con nhỏ với hàm lượng tối thiểu:

  • 6-24 tháng: 10-12mg DHA/kg cân nặng/ngày
  • 2-4 tuổi: 100-150mg (DHA + EPA)/ngày

Lưu ý khi chế biến thức ăn có chất béo

Chất béo là nhóm chất cực kỳ cần thiết cho sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên để bảo toàn hàm lượng dinh dưỡng có trong chất béo, cách thức bổ sung/chế biến là rất quan trọng. Cần biết rằng ở nhiệt độ cao, chất béo sẽ bắt đầu biến đổi, dẫn đến những dưỡng chất có lợi bị hao hụt. Do đó, cần chú ý sử dụng nhiệt độ phù hợp trong chế biến các nhóm thức ăn có chất béo cho trẻ. Cách bổ sung tốt nhất để đảm bảo lưu giữ trọn vẹn dưỡng chất có lợi là trộn dầu dinh dưỡng đặc chế cho trẻ vào thức ăn còn nóng (cháo, bột, cơm khi vừa nấu xong) với liều lượng 10ml/ngày (nếu trẻ ăn 2 bữa chính/ngày thì mỗi bữa trộn 1 muỗng café – 5ml).

Nguồn thực phẩm cung cấp chất béo cho trẻ

Để đảm bảo cung cấp đúng và đủ các chất béo cần biết, cha mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm như các loại mỡ (mỡ bò, lợn và cừu), thịt, trứng, sữa, đặc biệt là các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích…) do đây là nguồn cung cấp Omega 3 (EPA và DHA) dồi dào. Lượng DHA, EPA trong 100g các loại cá béo là:

  • Cá hồi: 1990mg (0,660g DHA, 0,430g EPA)
  • Cá ngừ: 1430mg (0,180g DHA, 0,040g EPA)
  • Cá thu: 2480mg (0,160g DHA, 0,670g EPA)
  • Cá trích: 2420mg (0,690g DHA, 0,970g EPA)
  • Cá chép: 1430mg (0,110g DHA, 0,240g EPA)

Tuy nhiên, lượng thực phẩm trẻ nhỏ ăn được chưa nhiều nên cha mẹ nên bổ sung dầu ăn dinh dưỡng đặc chế cho trẻ vào khẩu phần. Ưu tiên dầu từ các loại cá béo, nhất là cá hồi để cung cấp lượng đủ nguồn DHA, EPA quý giá cho trẻ phát triển não bộ. Ngoài ra, dầu đậu nành, dầu mè, dầu gạo… là những loại dầu thực vật tốt cho trẻ. Có thể chọn các loại dầu dinh dưỡng đặc chế có phối trộn thành phần giữa dầu cá hồi và các loại dầu này để trẻ được cung cấp nguồn chất béo cân bằng.

Ts.Bs. Trương Hồng Sơn

Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam

Viện y học ứng dụng Việt Nam

Bài liên quan
Chăm lo bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh vùng cao Mù Cang Chải
Mặc dù là nơi khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, nhưng các em học sinh vùng cao Mù Cang Chải luôn được chăm lo đầy đủ từng bữa ăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu chất béo, trẻ khó phát triển!