Thiếu hành lang pháp lý cho học bạ điện tử

Hiếu Nguyễn | 09/04/2023, 06:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sử dụng học bạ điện tử đem lại nhiều lợi ích, giúp công việc liên quan đến hồ sơ, sổ sách của giáo viên, cán bộ quản lý nhẹ nhàng, khoa học hơn.

Thiếu hành lang pháp lý cho học bạ điện tử ảnh 1
Ảnh minh họa ITN.

Cần quy định rõ ràng

Trường THPT Tân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) thực hiện song song cả học bạ điện tử và học bạ giấy. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải: Do học bạ điện tử chưa có quy định bắt buộc phải sử dụng nên nhà trường dùng để giáo viên làm quen. Trong tương lai, với yêu cầu của việc chuyển đổi số trong giáo dục, tôi nghĩ phải thực hiện học bạ điện tử.

Học bạ điện tử có nhiều ưu việt, đó là: Tra cứu dữ liệu thuận lợi; dữ liệu chính xác; bản in học bạ sạch sẽ, rõ ràng (nếu giáo viên nhầm điểm có thể sửa trước khi nhà trường ký xác nhận và khóa học bạ). Học bạ lưu được nhiều năm. Giáo viên không mất nhiều thời gian khi hoàn thiện học bạ cho học sinh.

Chia sẻ điều này, thầy Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, triển khai học bạ điện tử còn có khó khăn do chưa có quy định cụ thể về quản trị, quản lý học bạ; chưa có quy trình và thời gian in học bạ để lưu (có in hay không). Cũng chưa có quy định cụ thể về chữ ký của giáo viên và lưu học bạ học sinh; học sinh phải đóng phí bao nhiêu. Đặc biệt việc lựa chọn nền tảng, phần mềm nào hay có nền tảng chung toàn ngành để sử dụng? Những tồn tại trên là lý do khiến nhà trường phải dùng song song và lấy học bạ giấy làm chính, còn học bạ điện tử lưu để tiện cho việc tra cứu khi cần thiết.

Từ thực tiễn triển khai học bạ điện tử tại Tiền Giang, ông Nguyễn Phương Toàn trao đổi, vướng mắc khi triển khai học bạ điện tử là khi học sinh chuyển trường ra ngoài tỉnh vẫn phải in học bạ bản giấy, cho dù tỉnh đó có sử dụng học bạ điện tử hay không.

Cuối năm học vẫn phải in học bạ ra giấy để giáo viên, cán bộ quản lý ký tên xác nhận. Thi tuyển sinh lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT đều phải in học bạ giấy. Lý do, do chưa có chỉ đạo cụ thể việc sử dụng học bạ điện tử cho cả nước; cũng như chưa có cơ sở pháp lý cho việc sử dụng học bạ điện tử trực tuyến trên các phần mềm, nền tảng mạng Internet. Từ đó, ông Nguyễn Phương Toàn đề xuất cần có hành lang pháp lý cho việc sử dụng học bạ điện tử để khai thác hết tính năng ưu việt của loại hình quản lý này, cũng như góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.

Nhiều cán bộ quản lý cho rằng hiện chưa có đủ căn cứ pháp lý để triển khai, áp dụng thống nhất học bạ điện tử trong cả nước. Trong các văn bản của Bộ GD&ĐT mới khuyến khích sử dụng và quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) không được các cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện các thủ tục hành chính. Ví dụ như, trường đại học không chấp nhận học bạ điện tử trong hồ sơ tuyển sinh; thủ tục đi du học, học sinh chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác…chỉ chấp nhận học bạ giấy.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/thieu-hanh-lang-phap-ly-cho-hoc-ba-dien-tu-post633581.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/thieu-hanh-lang-phap-ly-cho-hoc-ba-dien-tu-post633581.html
Bài liên quan
Nhiều phuynh đề nghị bỏ sổ liên lạc điện tử
Sử dụng sổ liên lạc điện tử, phụ huynh phải đóng một số tiền kha khá. Trong khi hoàn toàn có thể thay bằng các ứng dụng miễn phí như Zalo, Viber…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu hành lang pháp lý cho học bạ điện tử