Bên cạnh đó, gần đây, một số tỉnh, thành phố gặp khó khăn về nguồn cung ứng xăng dầu nên người dân, doanh nghiệp đang đổ dồn về thị trường Hà Nội mua xăng. "Điều này tạo nên sức ép rất lớn đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Hiện nay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội có 493 cửa hàng. Trong đó, có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng bán, không hoạt động kinh doanh được phép đóng cửa hàng do hết hợp đồng thuê đất, đang trong quá trình chuyển giao, cải tạo sửa chữa...
Có khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, hơn 20 thương nhân phân phối có hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường Hà Nội. Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500 m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750 m3; dầu khoảng 48.750 m3.
Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, nhu cầu xăng dầu tăng đột biến, trung bình khoảng 20%, tương đương 175.800 m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%).
Tại phiên họp Quốc hội mới đây, tình hình xăng dầu được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu diễn ra thêm ở một số nơi, nhất là thành phố lớn, đông dân cư.
"Không có gì thay đổi, các chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu sẽ được cập nhật vào kỳ điều hành ngày 11/11 tới sẽ giúp tháo gỡ tình hình hiện nay", ông nói.
Các cây xăng còn hoạt động tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải khiến khách hàng phải chờ rất lâu mới đến lượt. Ảnh: Thanh Thương. |
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chỉ cần nguồn hàng đủ và chiết khấu ổn định ở mức 700-800 đồng/lít thì tự khắc các cây xăng sẽ hoạt động kinh doanh bình thường trở lại.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng để giải quyết bài toán trước mắt thì liên bộ Tài chính - Công Thương cần rà soát, cập nhật, phản ánh ngay định mức chi phí, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để giúp nhà kinh doanh vượt qua khó khăn.
"Nếu không giải quyết kịp thời, nguồn cung xăng dầu sẽ tiếp tục bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng", ông đánh giá.
Ngoài ra, ông Việt cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính đang có vấn đề, thiếu minh bạch.
"Cơ quan điều hành chốt giá bán ra nhưng lại thả nổi hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian như đầu mối, phân phối, đại lý, tổng đại lý... thì sẽ có vấn đề", TS Nguyễn Quốc Việt nhận định.