Một số sản phẩm sau khi tăng lên sau vài con sóng lại đang cắt lỗ giảm xuống gần về giá trị mở bán ban đầu. Nhưng dù có thành công hay thất bại thì các miếng đất này cũng gần như để không chờ tăng giá bán, không có giá trị khai thác gì, dễ mất thanh khoản khi thị trường “không có sóng”.
Ông Kiên nêu ví dụ, căn nhà cho thuê giá ban đầu là 7 tỷ, đến nay giá tăng tới 10,5 tỷ, cộng với tiền khai thác cho thuê trong 4 năm là 1,7 tỷ (35 triệu đồng/tháng x 12 tháng x 4) thì tổng giá trị thu lại khoảng 12 tỷ.
Xét về lợi nhuận thì không bằng việc mua đất để không khi thắng lợi, nhưng xét về về sự bền vững thì tốt hơn, an toàn hơn, không sợ vướng pháp lý, quy hoạch, không sợ rủi ro đến từ chủ đầu tư. Tài sản lại có giá trị sử dụng thực, có tiền tươi hàng tháng, và đương nhiên thanh khoản luôn luôn tốt.
Cũng theo ông Kiên, sau khi lập đỉnh, đầu 2022 thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn khó khăn, việc mua bất động sản để không chờ tăng giá như trước đây sẽ không còn khả thi.
"Thị trường bộc lộ ra nghịch lý “Ai cũng có đất, nhưng không ai có tiền”. Điều này tức là ghĩa là “tiền đã có” thì đã “chôn” hết vào tài sản, nhưng tiền “để xài, để đóng ngân hàng” hàng tháng thì không có", ông Kiên nói.
Do đó, lúc này, bất động sản cho thuê mới thiết lập được vị thế, được các nhà đầu tư “ưu ái” trở lại nhờ tạo ra “dòng tiền tươi” hàng tháng. Chưa kể, “dòng tiền tươi” này cũng chính là nguồn thu nhập để nhà đầu tư có thể chứng minh thu nhập với ngân hàng khi cần sử dụng thêm vốn vay.
Với những người đang có sẵn tiền mặt gửi tiết kiệm ngân hàng thì đây là dạng bất động sản yêu thích. Ví dụ, thay vì gửi tiết kiệm 10 tỷ vào ngân hàng, hàng tháng lấy tiền lãi 40 triệu để xài, họ mua 1 tài sản trị giá 10 tỷ mà hàng tháng cũng vẫn có thu nhập cho thuê 40 triệu để xài. Trong khi bất động sản 10 tỷ thì 10 năm sau có thể thành 20-30 tỷ, còn 10 tỷ tiền vốn gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là 10 tỷ.