“Từ trước tới nay, các hoạt động STEM được coi là môn ngoại khóa, chưa thi chính khóa như các môn học khác trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia. Chúng tôi mong kỳ thi robot và STEM thời gian tới được đưa thành chương trình chính khóa để ghi nhận cho tất cả học sinh có đam mê, cùng lan tỏa tình yêu khoa học đến học sinh thành phố”, cô Thùy Dương nhấn mạnh.
Còn theo cô Đặng Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM không chỉ là sân chơi của học sinh, mà còn tạo cơ hội để các thầy cô thể hiện đóng góp, tài năng, nhiệt huyết của mình thông qua các bài thi kỹ năng về công nghệ thông tin, bài giảng điện tử, bài giảng điện tử STEM.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bài giảng điện tử và bài giảng STEM bởi bài giảng STEM có thể là một bài giảng, chủ đề, dự án, thử thách. Ở đó, vấn đề thực tiễn được đặt ra và từ đấy giáo viên biết mình phải dạy thế nào, học sinh biết giải quyết vấn đề thực tiễn với những giải pháp mở. Hiểu và làm đúng thì STEM mới có thể phát triển.
Cô Đào Thị Hồng Quyên - người Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng Tỏa sáng sức mạnh tri thức, Trưởng Bộ môn Khoa học, phụ trách Xưởng sáng tạo xanh và Nhà giáo dục xanh tại Hệ thống Trường Genesis (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “5 người thầy tuyệt vời trong thúc đẩy giáo dục STEM học thông qua trải nghiệm là thiên nhiên, khó khăn, sự lao động, văn hóa cộng đồng, Internet và chuyển đổi số. Người thầy thứ 6 là cộng đồng giáo viên STEM được đào tạo bài bản, giao nhiệm vụ dạy học STEM, chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.
Cùng quan điểm, cô Lê Thị Quý - giáo viên Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) khẳng định: Thành phố có nhiều thuận lợi nhưng còn khó khăn riêng khi xây dựng cộng đồng đi với nhau bền vững và xa. Nếu thông qua cộng đồng STEM ở thành phố và vùng sâu, xa, chúng ta có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Qua ngày hội công nghệ thông tin cho thấy năng lượng, sự sáng tạo của học sinh rất lớn. Khi tình yêu khoa học, tinh thần sáng tạo được thúc đẩy, học sinh sẽ có những thành tựu mới.
Lần đầu tiên, ngành GD-ĐT Hà Nội tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM với chủ đề “Đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh”. Ngày hội nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nội dung và các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin tiêu biểu trong lĩnh vực chuyển đổi số đã ứng dụng thành công vào quản lý và giảng dạy được giới thiệu tại ngày hội. Từ đó, các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch bài dạy các môn, cấp học theo phương pháp giáo dục STEM, phát huy tinh thần sáng tạo trong dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018.