Đáng chú ý, khu vực châu Phi hiện nay đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Nga. Moscow đã tăng cường hoạt động ngoại giao chưa từng có đối với lục địa này nhằm đa dạng hóa môi trường quan hệ quốc tế của mình trước nỗ lực cô lập và cấm vận Nga từ phương Tây.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại St. Petersburg ngày 27-28/7 tới, được các nhà tổ chức mô tả là “sự kiện cấp cao nhất và quy mô lớn nhất" trong quan hệ giữa Nga với châu Phi. Sự kiện này cũng hướng đến mục tiêu đạt được "tầm cao mới trong quan hệ đối tác cùng có lợi" giữa đôi bên.
Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 20 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm 2010 và được dự báo vượt 40 tỷ USD trong năm nay.
Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi khi chiếm 35% thị phần ở lục địa này.
Cách đây hơn 1 tháng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thực hiện chuyến công du châu Phi từ 29/5 đến 2/6 đến Kenya, Burundi, Mozambique và Nam Phi, nơi ông Lavrov tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của nhóm BRICS.
Đặc biệt, đây là chuyến thăm thứ 3 của ông Lavrov đến châu Phi riêng trong năm nay, sau các chuyến đi vào tháng 1 tới Nam Phi, Eswatini, Angola, Eritrea và vào tháng 2 tới Mali, Mauritania, Sudan.
Vào ngày 31/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có cuộc đón tiếp người đồng cấp Eritrea Isaias Afwerki tại Điện Kremlin.
Hiện trạng cung cấp lương thực toàn cầu
Theo hãng tin Reuters, dự trữ ngô toàn cầu bắt đầu niên vụ 2021/22 ở mức thấp nhất trong 6 năm và chiến sự Nga - Ukraine đã khiến giá tăng vọt.
Tuy nhiên, xuất khẩu từ Brazil tăng mạnh kể từ đó đã giúp thúc đẩy nguồn cung, cùng với việc mở lại kênh vận chuyển qua Biển Đen của Ukraine vào tháng 7 năm ngoái.
Theo thỏa thuận nhằm tạo ra một kênh vận chuyển an toàn, Ukraine đã có thể xuất khẩu 32,9 triệu tấn nông sản, bao gồm 16,9 triệu tấn ngô và 8,9 triệu tấn lúa mì.
Trước xung đột, Ukraine đã xuất khẩu khoảng 25 - 30 triệu tấn ngô mỗi năm, chủ yếu qua Biển Đen, và khoảng 16 - 21 triệu tấn lúa mì.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã dự báo, dự trữ ngô toàn cầu vào cuối niên vụ 2023/24 sẽ ở mức cao nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, dự trữ lúa mì toàn cầu đang khan hiếm hơn và được dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong 8 năm vào cuối niên vụ 2023/24.
Nếu không có ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine, tình trạng mất an ninh lương thực chắc chắn sẽ gia tăng trên toàn cầu. Ảnh: Picture Alliance
Khả năng Nga tái gia nhập thỏa thuận ngũ cốc như thế nào?
Liên Hợp Quốc cho biết sẽ cố gắng đưa đại diện của Nga trở lại bàn đàm phán.
"Tổng thư ký [António Guterres] sẽ tiếp tục tìm kiếm tất cả các con đường có thể để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine hoặc ngũ cốc của Nga và phân bón của Nga được đưa ra thị trường toàn cầu... Có một số ý tưởng đang được đưa ra", một tuyên bố của Liên Hợp Quốc cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông tin rằng Tổng thống Nga Putin muốn thỏa thuận được tiếp tục và sẽ thảo luận với người đứng đầu Điện Kremlin khi họ gặp mặt trực tiếp vào tháng 8.
Trong khi đó, Moscow đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ chỉ quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc nếu các quy định được nới lỏng đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, hiện đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Moscow đã cho Liên Hợp Quốc thời hạn 3 tháng để đáp ứng các điều khoản.
Bất chấp cấm vận của phương Tây, xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã được hưởng lợi từ lệnh phong tỏa xuất khẩu của Ukraine vào năm ngoái. Theo thống kê từ Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), tỷ trọng xuất khẩu lúa mì toàn cầu của Nga ước tính đã tăng lên 22,3% vào năm 2022 so với mức 16,6% một năm trước đó.
Trong khi đó, thị phần của Ukraine giảm từ 9,7% xuống còn 8,3%, và đến năm 2024 có thể giảm một nửa chỉ sau 2 năm.