Để tránh nguy cơ trên, Ukraine có lẽ cần có sự chọn lọc hơn về vị trí triển khai các hệ thống phòng không do các lực lượng Ukraine không thể đánh chặn tất cả tên lửa và UAV của Nga phóng vào Ukraine.
Thứ ba, Ukraine phải mở rộng khả năng sản xuất vũ khí trong nước, giảm sự phụ thuộc vào vũ khí viện trợ. Dù dễ hiểu là các quốc gia khác sẽ thận trọng trong việc chia sẻ những công nghệ quân sự nhạy cảm cho Ukraine nhưng đa số những gì nước này đang cần cho phòng không như pháo, UAV, vũ khí chống tăng đều rẻ hơn, ít nhạy cảm hơn và tương đối dễ sản xuất.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía vị trí của Nga từ chiến hào ở tiền tuyến tại vùng Zaporizhzhia hồi tháng 6-2023. Ảnh: AP
Tăng cơ hội cho Ukraine trên bàn đàm phán
Theo TS Emma Ashford và TS Kelly A. Grieco, sự thay đổi chiến lược này trước mắt sẽ giúp Ukraine giải quyết hai vấn đề lớn nhất là thiếu hụt về lực lượng và sự sụt giảm trong mức độ hỗ trợ của phương Tây. Một tuyến phòng thủ sẽ giúp Kiev củng cố nguồn lực, giảm số lượng binh lính và pháo cần thiết để bảo vệ tiền tuyến.
Việc áp dụng chiến lược phòng thủ cũng làm giảm yêu cầu trang bị cho Ukraine các hệ thống phương Tây đắt đỏ và khan hiếm. Thay vào đó, phương Tây có thể định hướng lại việc viện trợ với các loại đạn dược, vật tư xây dựng và hệ thống phòng không chi phí thấp hơn, cũng như giúp Ukraine tăng cường năng lực sản xuất thiết bị quốc phòng trong nước.
Ngoài ra, một chiến lược mới trên chiến trường phải đi cùng với chiến lược chính trị tương ứng từ Mỹ, bắt đầu bằng việc đưa ra thông điệp. Chính quyền Tổng thống Biden nên làm rõ rằng Washington không buộc Kiev phải tiến hành các chiến dịch tấn công trong tương lai mà thay vào đó là tập trung cung cấp cho Ukraine các khả năng phòng thủ.
Hai chuyên gia cho biết kể cả khi chiến lược mới không giúp chấm dứt xung đột và giúp Ukraine giành thêm lãnh thổ, nó vẫn tránh được thêm thương vong và bảo tồn khả năng chiến đấu của Ukraine, tạo cơ hội cho Ukraine vẫn kiểm soát phát triển kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng. Đối với Nga, việc không thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine có thể sẽ khiến nước này chùn bước và tạo ra lợi thế cho Ukraine trên bàn đàm phán.•
Triều Tiên bác tin đang cung cấp tên lửa cho Nga Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song ngày 12-1 khẳng định Triều Tiên không liên quan đến các thông tin mà phương Tây đưa ra về việc nước này đang cung cấp tên lửa cho Nga sử dụng ở Ukraine. Đại sứ Triều Tiên cũng nhắc lại tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng cuộc chiến ở Ukraine là kết quả của chính sách đối đầu của Washington vốn vi phạm lợi ích an ninh hợp lý và chính đáng của Moscow. Trước đó, tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine ngày 10-1, Mỹ cùng đồng minh đã lên án việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Nhà Trắng cũng ra tuyên bố riêng cáo buộc Bình Nhưỡng đã cung cấp cho Moscow hàng chục tên lửa đạn đạo, một vài trong số đó được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Ukraine vào ngày 30-12-2023, cũng như ngày 2 và 6-1 vừa qua, theo hãng tin Reuters. |