Trường phổ thông đã chủ động trong công tác tuyên truyền cũng như giáo dục hướng nghiệp; chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Các chủ đề giáo dục hướng nghiệp được tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp các em nhận thức được thế mạnh của bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp. Nhiều trường phổ thông đã chủ động phối hợp với trường trung cấp, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với hoạt động tư vấn tuyển sinh.
Nói về hạn chế, bất cập, điều thầy Đặng Ngọc Thắng đề cập tới đầu tiên là dù học sinh đã hiểu được vai trò của định hướng nghề nghiệp, xác định được tầm quan trọng nghề nghiệp đối với tương lai của chính mình nhưng khi nêu lên nguyện vọng về ngành nghề vẫn còn dựa vào cảm tính, ít tính tới năng lực, tính cách, năng khiếu… của bản thân trong mối quan hệ với nghề nghiệp mình đã chọn. Xu hướng tiếp tục học lên các bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vẫn là chủ yếu; ít học sinh lựa chọn vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gây lãng phí cả về tiền của, công sức, thời gian của bản thân, gia đình và rộng hơn là cả xã hội.
Ngoài ra, nhận thức về nghề nghiệp, việc làm còn đơn giản, phiến diện. Nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn những ngành nghề được cho là ổn định, không phải lo đầu ra, những ngành nghề có thu nhập cao, xu hướng muốn làm việc ở thành phố… Do đó, không ít học sinh lựa chọn không đúng ngành nghề, hướng đi cho chính mình.
Thầy Đặng Ngọc Thắng cũng cho rằng, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông trong thời gian qua chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp. Nguyên nhân do thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chưa có giáo viên chuyên trách tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Thông tin thị trường lao động nghèo nàn
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở” được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 chia sẻ: Năm 2017, theo kết quả khảo sát của Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông”, học sinh sau THCS học lên trung học phổ thông chiếm 79,6%, học hệ giáo dục thường xuyên là 5,6%, học các trường nghề là 7,8%, đi làm 4,6%. Thứ tự ưu tiên được các em lựa chọn là: Lớp 10 phổ thông công lập, lớp 10 bổ túc văn hóa, lớp 10 tư thục rồi mới học nghề tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề và tham gia thị trường lao động.
Ngoài ra, do việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh hiện nay chủ yếu dựa vào cảm tính, hứng thú, sở thích cá nhân, ít tính tới năng lực bản thân và đặc điểm công việc, chủ yếu chọn các ngành có thu nhập cao lại nhàn hạ như kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán… không chú ý đến điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường lao động đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không có việc làm...
Một số nguyên nhân được PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan đưa ra trong đề tài là do nhận thức của một bộ phận người dân, nhà trường và xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với lập thân, lập nghiệp của người lao động chưa đúng, chưa đầy đủ. Hệ thống văn bản pháp quy khá đầy đủ, nhưng thực tế triển khai đã bộc lộ những bất cập: Thiếu chính sách khuyến khích học sinh THCS học nghề và khuyến khích các trường nghề tuyển học sinh THCS; thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động qua đào tạo nghề nghiệp thấp; chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dạy nghề chưa phù hợp.
Trong Luật Dạy nghề 2006 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2015 chưa có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp về việc đóng góp kinh phí cho việc duy trì, phát triển hệ thống dạy nghề. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa thực sự có hiệu quả do thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, chuyên gia am hiểu về tâm lí học nghề nghiệp, về thông tin thị trường lao động, về thực tế ngành nghề xã hội, về kinh tế học lao động. Nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng giáo dục hướng nghiệp và thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp…
PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan cũng nhắc đến thực trạng công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS chưa có sự đồng thuận ủng hộ, tham gia tích cực của chính quyền địa phương; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan và toàn xã hội. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, thiếu thông tin và chưa kịp thời, nên gia đình và học sinh không đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề phù hợp…
Từ thực trạng trên, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan khuyến cáo: Cần đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông nhằm giúp học sinh nhận thức đầy đủ việc chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS. Giải quyết đồng bộ 3 nhiệm vụ: Hướng nghiệp, phân hóa theo hướng tự chọn, phân luồng HS; xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đào tạo và nhu cầu nhân lực; tham khảo kinh nghiệm về phân luồng học sinh sau THCS của một số nước có truyền thống văn hóa và giáo dục gần với Việt Nam.