THPT Nguyễn Trãi - top trường Phổ thông đầu tiên của Hà Nội

Tùng Bách (ghi) | 10/10/2021, 09:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Trường THPT Nguyễn Trãi là một trong những trường phổ thông đầu tiên của Hà Nội được thành lập trước giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình - Hà Nội là một trong những trường được thành lập sớm nhất ở Hà Nội theo Nghị định tái thành lập Trường Trung học Nguyễn Trãi - Hà Nội của Thủ hiến Bắc Việt (Ngày 24/8/1950). Đến nay trường đã có bề dày lịch sử hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành.

Giáo dục gắn liền với đời sống xã hội

Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc. Thầy và trò trường Nguyễn Trãi cùng với nhân dân Thủ đô hân hoan đón Chính phủ và Trung ương Đảng từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội năm 1955.

Hòa bình được lập lại trên miền Bắc, bước vào thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Hòa trong không khí tưng bừng náo nức của đất nước đang chuyển mình đón “Luồng gió mới xã hội chủ nghĩa”, mọi hoạt động của nhà trường bắt đầu ổn định và phát triển lên một bước mới.

nt23.jpg
Trường THPT Nguyễn Trãi ngày nay.

Cuối năm 1954, trong một buổi sáng mùa đông lạnh, nhà trường bất ngờ được Bác Hồ đến thăm. Hình ảnh Bác trước đây chỉ được biết qua truyền đơn bí mật, nay Bác đến nói chuyện trước con mắt của hàng trăm học sinh. Thầy trò reo mừng sung sướng.

Bác nói chuyện không lâu, nhưng lời Bác còn ghi mãi: “Học bây giờ để: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu khoa học, yêu lao động, yêu đạo đức. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh. Học thì phải hành.”

Lời Bác trở thành nguyên lí giáo dục và mở ra một hướng mới cho sự nghiệp phát triển của nhà trường. Đồng thời với cải cách giáo dục, chuyển hệ đào tạo từ dạy - học theo chương trình giáo dục phổ thông trung học của Pháp sang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ba cấp (hệ 9 năm) theo nghị quyết của Đại hội Trung ương Đảng lần thứ III (năm 1960).

Trường đẩy mạnh chất lượng đào tạo con người mới, các thầy cô giáo được tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, trao đổi cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy. Các tổ chức đoàn thể được hình thành và hoàn thiện.

Năm 1958, Chi bộ Đảng nhà trường ra mắt hoạt động công khai, độc lập, đoàn thanh niên lao động, đội thiếu niên Tiền Phong phát triển rộng trong các lớp. Yêu cầu giáo dục lí tưởng sống được đề cao, với nhiều hình thức phong phú, có tác động và cuốn hút mạnh mẽ tuổi trẻ. Phong trào rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu, học khá, học giỏi, các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ... ở các khối lớp và toàn trường diễn ra rất sôi nổi.

nt2.jpg

Nét nổi bật trong toàn bộ hoạt động của thời kì này là gắn liền với đời sống xã hội. Bài giảng nào cũng được thầy cô hướng dẫn liên hệ với thực tiễn cuộc sống, thực tiễn sản xuất, xâm nhập, tìm hiểu đời sống của người lao động. Học sinh nhà trường tích cực tham gia lao động sản xuất và hoạt động xã hội.

Hàng tuần, học sinh tham gia lao động đắp đường Cổ Ngư, xây dựng công viên Thống Nhất, công trường xây dựng Văn Chương, giúp dân gặt lúa ở Gia Lâm, Từ Liêm...Nghỉ hè nhiều lớp lên khi công nghiệp Việt Trì vừa học tập, vừa lao động...

Theo bài viết “Trường Nguyễn Trãi trong kí ức tôi” của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập trường: “Năm 1955 trong buổi lao động đắp đường Cổ Ngư, thầy và trò trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã được Bác Hồ đến thăm và cùng lao động. Bác nói “Con đường này trước đây có tên là Cổ Ngư. Đến hôm nay nó đang rộng ra, đẹp lên do công sức của thanh niên. Vậy từ hôm nay, con đường này có tên là đường Thanh niên”. Sau đó Bác chụp ảnh chung với thầy và trò nhà trường”.

Từ năm 1958 đến năm 1961, nhà trường còn vinh dự đón nhận nuôi dưỡng và đào tạo hơn 300 học sinh miền Nam tập kết. Nhiều anh chị đã trưởng thành, trở về tham gia trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,... Trong số đó nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán của nhiều tỉnh, thành và Trung ương.

Ngoài ra nhà trường còn mở rộng quan hệ quốc tế với tinh thần quốc tế vô sản, hòa nhập với nhịp sống chung của xã hội và thời đại, đón các đoàn giáo viên, học sinh các nước Liên Xô, Australia,... đến thăm và trao đổi học tập.

Những thành tích trên đã đặt cơ sở nền móng, tạo cơ sở nội lực cho nhà trường tiếp tục xây dựng và trưởng thành, vượt qua những khó khăn, thách thức, đóng góp vào công cuộc xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

Từ tháng 9 năm 2010 đến nay, trường được chuyển về địa chỉ số 50 phố Nam Cao, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là địa điểm thứ 5 trong quá trình xây dựng và phát triển của trường.

nt6.jpg

Tiếp quản một cơ sở vật chất đã xuống cấp, trước bộn bề những khó khăn và thách thức mới. Được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của các cấp, đội ngũ lãnh đạo nhà trường có năng lực, giàu tâm huyết, thầy và trò nhà trường đã từng bước giải quyết những khó khăn. Đó là cải tạo cơ sở vật chất; tích cực đổi mới phương pháp dạy - học; nâng cao chất lượng về mọi mặt; tiếp tục đạt được những thành tích cao trong các kì thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi thành phố.

nt1.jpg
Trường THPT Nguyễn Trãi khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Trường được công nhận là trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, Chi bộ vững mạnh, trong sạch, công đoàn vững mạnh, cơ sở Đoàn thanh niên xuất sắc...

Nhiều học sinh đã trưởng thành từ mái trường này, trở thành những giáo sư tiến sĩ, nhà doanh nghiệp quản lí kinh tế, nhà thơ, nghệ sĩ và những người lao động bình dị đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó có các cán bộ chủ chốt của Đảng và nhà nước trên các lĩnh vực: Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá - học sinh năm 1954; Nhạc sĩ Phó Đức Phương; Nghệ sĩ nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Nguyễn Trung Kiên; Đại biểu quốc hội nguyên phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, học sinh khóa 1962 - 1965; Đại biểu quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc; Nhà sử học Lê Văn Lan,... Cựu học sinh khóa 1973 - 1976 Phạm Bình Minh hiện là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh...

Các thế hệ giáo viên của trường dù trong thời điểm nào, hoàn cảnh nào cũng luôn khẳng định trình độ năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì học sinh với lối sống mẫu mực, tiêu biểu như thầy giáo dạy văn, nhà phê bình văn học, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Tâm...

Thầy và trò nhà trường qua nhiều thế hệ đã đóng góp công sức viết lên truyền thống của nhà trường, đó là “Truyền thống yêu nước, sống nhân ái, học giỏi, văn minh”.

nt4.jpg

Mục tiêu phấn đấu và định hướng của nhà trường trong những năm tới là tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh về chuyên môn, nhiệt tình, đáp ứng những yêu cầu mới của ngành với những điều kiện dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực tiên tiến,...Đồng thời từng bước tiếp tục nâng cao và khẳng định chất lượng giáo dục, xây dựng và rèn luyện phong cách học sinh văn minh, thanh lịch, hiện đại và năng động. Xây dựng môi trường sư phạm với việc đầu tư chiều sâu về cơ sở vật chất, phục vụ công tác dạy và học.

Bài liên quan
Trường THPT Việt Đức - 47 Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm - Hà Nội
(GDTD) - Thành lập từ năm 1955 , THPT Việt Đức nằm trong tốp đầu của Hà Nội về chất lượng giảng dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
THPT Nguyễn Trãi - top trường Phổ thông đầu tiên của Hà Nội