Từ năm 2016 đến nay, rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đã tập trung vào các giải pháp thu hoạch năng lượng từ sóng điện từ. Từ ý tưởng về chiếc ăng ten vừa thu, vừa phát năng lượng, trong khuôn khổ đề tài được dự án SAHEP – Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Ngân hàng Thế giới – tài trợ, TS. Lê Minh Thùy và TS. Nguyễn Đại Dương đã nghiên cứu thiết kế một bộ ăng ten và bộ chuyển đổi năng lượng, thu những năng lượng thừa đang tràn lan ngoài môi trường về, lưu trữ và sau đấy cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử như mộtcảm biến không dây đơn giản, kết nối internet vạn vật sử dụng công nghệ BLE (Bluetooth năng lượng thấp - công nghệ không dây tiêu thụ rất ít năng lượng dùng để kết nối các thiết bị với nhau). Năng lượng ở đây có thể hiểu là năng lượng điện khai thác được từ sóng điện từ.
Theo TS. Nguyễn Đại Dương, phần khó nhất chính là thiết kế ăng ten để thu năng lượng từ sóng. Thiết kế hiện nay là thu sóng đơn băng tần, năng lượng khai thác được khá thấp. Muốn thu sóng được nhiều hơn, năng lượng cao hơn cần phải thiết kế được ăng ten thu sóng từ nhiều tần số khác nhau.
Trong quá trình nghiên cứu, hai giảng viên trẻ đã hướng dẫn các sinh viên, học viên cao học cùng tham gia. Các sinh viên đã tiến hành thử nghiệm ngay cổng Trường Đại học Bách khoa, Số 1 Đại Cồ Việt, thu sóng viễn thông từ mạng 3G. Một sinh viên đã bảo vệ đồ án tốt nghiệp loại xuất sắc và đạt giải đồ án xuất sắc nhất hội đồng với đề tài thu hoạch năng lượng này.
Hiện tại đề tài của hai giảng viên Bách khoa đang dừng ở mức nghiên cứu. Phần thực nghiệm thu năng lượng hiện tại hiệu suất chưa cao nhưng đã đạt kỳ vọng đặt ra. Từ kết quả của đề tài này, TS. Thùy và TS. Dương đang tiếp tục nghiên cứu cải thiện hiệu suất thu hoạch của ăng ten, thiết kế bộ chuyển đổi từ năng lượng xoay chiều sang năng lượng một chiều để đủ cung cấp nguồn ổn định cho các cảm biến không dây.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố trong 2 công trình khoa học thuộc danh mục Scopus.