Cùng với các di tích, khu phố cổ là nơi sinh sống, buôn bán diễn ra hằng ngày.
“Riêng với khách tự do đến nhưng không vào di tích thì thôi không nên thu tiền, không ép mua vé. Tại sao không đưa hình thức thu vé từng điểm di tích, để họ có quyền chọn? Họ dạo phố cổ và chụp những tấm hình đẹp cũng là hình thức quảng bá không mất tiền là rất lợi, sao phải chặn họ lại để thu vé. Du khách tới, họ dạo trong phố, ăn tô cao lầu, ly chè bắp hay mua chút đồ lưu niệm thì người buôn bán cũng được hưởng lợi”, ông Ái chia sẻ.
Riêng ngôi nhà cổ của ông hàng ngày cũng đón nhiều đoàn khách du lịch vào tham quan miễn phí (không nằm trong số di tích tham quan phải bán vé) nhưng cũng có thêm nguồn thu từ việc bán đồ lưu niệm khi du khách ghé thăm.
“Chúng tôi rất mong mỏi cuộc gặp với chính quyền, mong được giải đáp hết thắc mắc và thỏa đáng ngay cho người dân phố cổ, cho chính cư dân ở đây. Người dân chúng tôi khi hiểu được thì giải thích cho du khách cũng rất tốt”, ông Ái nói.
Ông Nguyễn Đình Thống sinh sống và buôn bán 20 năm nay trong khu phố cổ Hội An.
Ông Nguyễn Đình Thống (chủ cửa hàng đồ lưu niệm sinh sống và buôn bán hơn 20 năm trên đường Trần Phú) đặt vấn đề: “Tôi cũng chưa tưởng tượng được lực lượng chức năng sẽ làm thế nào để nhận diện, phân luồng sao cho mọi người không bị mất tự nhiên và không thấy bất tiện vì bị gò bó? Bởi nếu cứ đi phân biệt theo luồng như vậy, du khách sẽ thấy rất mất tự nhiên, không thoải mái. Khách không thoải mái khi đến đây thì họ sẽ không trở lại nữa. Hoạt động kinh doanh thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều khi khách ít đi. Cá nhân tôi nghĩ việc thu tiền vé thì không có vấn đề gì, tuy nhiên cách làm như thế nào để du khách họ trả tiền mà vẫn thoải mái để không chỉ đến một lần mà còn trở lại”, ông T. bày tỏ.