Đều là nông sản tương tự với nhiều nước khác nhưng dâu tây Bijin-Hime đã được lai tạo lại với phương pháp đặc biệt tại Trang trại Okuda ở Hashima, tỉnh Gifu, Nhật Bản.
Được biết, như hầu hết các cách nuôi trồng phổ biến, dâu tây “kim cương đỏ” hay còn có tên là “công chúa xinh đẹp” được trồng trong nhà kính - che phủ bằng nhựa chuyên dụng trong suốt những tháng mùa đông.
Điều này cho phép Okuda kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ của đất và không khí. Tuy nhiên, ông sẽ sử dụng phương pháp của riêng mình, kết hợp phủ rơm rạ lên những cây dâu tây để tăng cường khả năng kiểm soát đó hơn nữa. Quá trình chín chậm và kéo dài làm cho những quả dâu tây phát triển thành kích thước to như mong muốn.
Nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến kết cấu và làm giảm độ axit của trái cây, nếu căn chỉnh phù hợp, nó sẽ tạo được hương vị đặc biệt - ngọt gấp 1,5 lần so với những quả dâu tây thông thường.
Các cây dâu tây tại trang trại Okuda đa phần được thụ phấn bởi ong mật - tổ ong được giữ bên trong nhà kính cùng với các loại cây quý. Ngoài ra, ông Okuda cũng có thể thụ phấn cho một số loại đặc biệt bằng tay.
Mỗi cây dâu tây Bijin-Hime là một bản sao của cây mẹ. Sau khoảng 15 năm thử nghiệm, Okuda cuối cùng đã tạo ra một giống cây ổn định và cho quả đều đặn. Vì quy trình trồng vô cùng phức tạp và chăm chút cẩn thận, loại dâu này chỉ sản xuất khoảng 500 quả/năm.
"Rất khó tạo ra hình dạng đúng và đặc biệt cho mỗi quả dâu tây. Đôi khi chúng có thể phát triển thành hình cầu. Tôi mất 15 năm để đạt đến trình độ hoàn hảo này”, ông Okuda chia sẻ.
Hiện tại, Bijin-Hime vẫn là một trong những giống dâu tây đắt đỏ và cao cấp bậc nhất Nhật Bản. Đối với người Nhật, các loại trái cây cao cấp còn mang ý nghĩa tinh thần và là biểu tượng của sự tôn trọng.
“Nhiều người mua các loại trái cây đắt tiền đem tặng người thân, bạn bè đồng nghiệp trong các dịp đặc biệt để cho thấy sự tôn trọng và quý mến của các mối quan hệ”, theo bà Shim - một người nghiên cứu về thị trường trái cây xa xỉ Nhật Bản.
Tổng hợp