Xin Thứ trưởng cho biết thời gian tới, các nội dung trong tuyên bố chung sẽ được hiện thực hóa thế nào? Lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên thực hiện?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Với 8 trang Tuyên bố chung, câu chữ rất ngắn gọn, chặt chẽ, có cảm tưởng khô khan, nhưng văn kiện này hàm chứa nhiều nội dung quan trọng và ý nghĩa với hợp tác hai nước thời gian tới và hai bên đều gửi gắm trong đó những mong ước, những kỳ vọng và cả những cảm xúc, như Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper trả lời báo chí.
Với kinh nghiệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, tôi tin tưởng chắc chắn rằng hai bên sẽ tích cực triển khai hiệu quả nội dung tuyên bố chung Đối tác Chiến lược toàn diện, trên cơ sở các khuôn khổ, cơ chế hiện có, cũng như sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Quá trình này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi bên, trong đó có các cơ quan chính quyền, Quốc hội, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp... Mỗi năm, cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra và từng năm đều có kiểm điểm, đánh giá việc thực thi.
Quan sát các hoạt động của Tổng thống Biden trong 24 giờ thăm Việt Nam và qua nội dung Tuyên bố chung, các bạn sẽ thấy rõ các ưu tiên của quan hệ.
(i) Trước hết, đó là trao đổi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau và tiếp xúc bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Nghị viện, giao lưu nhân dân. Điều này rất quan trọng, góp phần tạo môi trường thuận lợi và động lực thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác.
(ii) Kinh tế - thương mại – đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là lĩnh vực đột phá và hợp tác phát triển hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực... là những lĩnh vực ưu tiên. Cuộc gặp bàn tròn doanh nghiệp với sự chứng kiến của Tổng thống Biden và Thủ tướng Phạm Minh Chính là một điểm nhấn trong chương trình của Tổng thống và đã thể hiện một trong những trọng tâm của quan hệ thời gian tới. (iii) Các lĩnh vực hợp tác khác được coi trọng gồm: khắc phục hậu quả chiến tranh, giáo dục đào tạo, hợp tác xử lý các vấn đề toàn cầu như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, y tế, chống khủng bố v.v...
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã phát triển rất mạnh, qua đó tạo không gian, dư địa phát triển không chỉ trong quan hệ Việt Nam - Mỹ mà còn giúp cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam cân đối, vững chắc hơn trong tương quan với các đối tác chủ chốt khác. Xin Thứ trưởng cho biết, chuyến thăm này đã thể hiện điểm sáng trong đối ngoại Việt Nam năm 2023 ra sao?
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc: Việc xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ còn có những ý nghĩa vượt lên khuôn khổ quan hệ song phương, trong đó:
Thứ nhất, việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững với Hoa Kỳ là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của ta. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ từ cấp độ Đối tác chiến lược với toàn bộ 05 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp), qua đó tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.
Thứ hai, trong năm 2023 và những năm vừa qua, cùng với việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác lớn, quan trọng, các nước bạn bè truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, các nước ASEAN, Nga, Ấn Độ... Điều này sẽ góp phần tạo ra cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi, góp phần duy trì mỗi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tạo đan xen lợi ích sâu rộng, thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2045 của Đại hội Đảng lần thứ XIII, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Thứ ba, các hoạt động đối ngoại trong thời gian qua, trong đó có việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và là một kết quả quan trọng và nổi bật của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.