Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý 6 nội dung triển khai học kì II năm học 2021-2022

Hiếu Nguyễn | 18/02/2022, 14:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sáng 18/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, còn thừa thiếu cục bộ. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để thực hiện chương trình và các nhu cầu phục vụ học tập khác của các trường...

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 giữa bối cảnh trong nước và thế giới chịu tác động của dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội đã tác động không nhỏ đến quá trình giáo dục tại các địa phương, dẫn đến việc biên soạn, lựa chọn, bồi dưỡng, tập huấn, in ấn, phát hành, sử dụng sách giáo khoa và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương gặp những trở ngại nhất định.

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông diễn ra theo hình thức trực tuyến.

6 nội dung quan trọng cần lưu ý

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận trong học kì I năm học 2021-2022, các địa phương đã khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, linh hoạt, sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng.

Để chuẩn bị tốt cho học kì II, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung vào 6 nội dung quan trọng, liên quan đến: bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất; công tác thanh tra, kiểm tra; và công tác quản lý giáo dục.

Nhấn mạnh trước hết đến an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng lưu ý không chủ quan, lơ là nhưng cũng không quá hoang mang, căng thẳng. Các nhà trường nỗ lực vận động học sinh ra lớp, cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến; nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng cho rằng, triển khai chương trình mới trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện dịch bệnh lại càng khó khăn, nên rất cần sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các nhà trường, địa phương. Nhắc lại những điểm mới của chương trình 2018, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý từng cơ sở giáo dục phải xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn; phải xây dựng phân phối chương trình và xếp thời khóa biểu không quy định “cứng” trong cả học kì mà linh động theo từng tuần, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với thực tiễn.

Một số nội dung khác xung quanh chương trình mới cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh, liên quan đến triển khai nội dung giáo dục địa phương; thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá; lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên dạy sách giáo khoa mới; chuẩn bị nghiêm túc, kĩ lưỡng cho triển khai chương trình mới với lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó cần quan tâm đến triển khai môn Tin học, Ngoại ngữ ở tiểu học, khi hai môn học này trở thành môn học bắt buộc; dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội ở lớp 6 và lớp 7 từ năm học 2022-2023.

Đặc biệt, với chương trình mới ở lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc còn có các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) và các môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Với những điểm mới này, cần chuẩn bị từ sớm mới có thể triển khai hiệu quả. Các nhà trường cần công bố phương án tổ chức dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để công bố cho thí sinh trước khi tuyển sinh.

Vấn đề thứ 3 được Thứ trưởng yêu cầu địa phương quan tâm liên quan đến đội ngũ giáo viên, nhấn mạnh đến nội dung bồi dưỡng, đào tạo và tạo động lực cho đội ngũ. Theo đó, cần tập trung bồi dưỡng đại trà để không xảy ra trường hợp giáo viên chưa được bồi dưỡng - đứng lớp. Quan tâm tới việc đào tạo, tổ chức các lớp để giáo viên có điều kiện được nâng chuẩn. Thầy cô cũng rất cần một môi trường làm việc năng động, sáng tạo, thân thiện, tạo được động lực để có thể làm việc hiệu quả nhất.

Về cơ sở vật chất, Thứ trưởng đề nghị địa phương dựa trên văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; không được để thiết bị về trường nhưng không ra lớp. Tiếp tục quan tâm đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Thực hiện phân bổ ngân sách cho giáo dục đúng theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022: dành 81% nguồn nhân sách phân bổ cho giáo dục để chi lương và các khoản theo lương; 19% là chi khác.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đổi mới quản lý theo công việc, tạo môi trường làm việc kỉ cương, trách nhiệm, sáng tạo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thu-truong-nguyen-huu-do-luu-y-6-noi-dung-trien-khai-hoc-ki-ii-nam-hoc-2021-2022-1BHmbNf7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thu-truong-nguyen-huu-do-luu-y-6-noi-dung-trien-khai-hoc-ki-ii-nam-hoc-2021-2022-1BHmbNf7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý 6 nội dung triển khai học kì II năm học 2021-2022