Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu

17/11/2023, 14:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu.

Dự buổi gặp mặt còn có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; GS. TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

Đặc biệt là sự có mặt của 60 thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước.

tiep-kien-thu-tuong-5374.jpeg
Thủ tướng và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Các đại biểu dự buổi gặp mặt.

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu trên toàn quốc là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho đội ngũ thầy, cô giáo; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo nói riêng và sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung.

Đồng thời, thể hiện sự trân trọng, tri ân và tôn vinh nhà giáo, nghề giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

Năm 2023 đánh dấu tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, với những thành tựu đáng tự hào, mà ở đó có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ thầy, cô trên mọi miền Tổ quốc.

Các thầy, cô đã tận tâm, tận hiến với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Đó là những hạt nhân nòng cốt, lan tỏa, cộng hưởng giá trị tốt đẹp trong xã hội. Các thầy, cô cũng chính là những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn

Thầy Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chia sẻ: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc về lượng và chất. Trong đó các trường cao đẳng, trung cấp đóng vai trò chủ lực trong đào tạo nguồn nhân lực lao động nắm được lý thuyết, có kỹ năng nghề vững vàng, là lực lượng chủ lực trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

387322935-1436513806974779-2817758571775141511-n-9179.jpeg
Thầy Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Nhấn mạnh thế mạnh của khối giáo dục nghề nghiệp, cũng như những kết quả quan trọng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã đạt được, thầy Lê Đình Kha cho rằng: Mặc dù hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng, Chính phủ có những chỉ thị, chỉ đạo sâu sát trong thời gian qua, nhưng thực tế cũng còn nhiều khó khăn. 

Thầy Lê Đình Kha mong muốn Thủ tướng tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách đãi ngộ, tôn vinh, thu hút và trọng dụng nhà giáo; làm sao để thu nhập được nâng cao, yên tâm gắn bó với nghề. Đề nghị Chính phủ quan tâm đến chính sách liên thông các cấp trình độ đào tạo; chính sách về doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ đến giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo bán dẫn.

Mong Giáo dục đặc biệt tiếp tục được quan tâm

Cô Nguyễn Thị Dang – giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, ngay từ nhỏ đã có ước mơ trở thành một giáo viên.

dang-1-4052.jpeg
Cô Nguyễn Thị Dang – giáo viên Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Đến cấp THPT, có lần cô học trò tên Dang đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật cùng với người cô của mình, cảm thấy các bé ở đây thật đáng thương vì rất thiệt thòi, khó khăn về mọi mặt. Bản thân cô rất đồng cảm và muốn làm gì đó để giúp đỡ và phát triển tiềm năng cho những em này. 

Cũng từ đó, cô Dang tìm hiểu và biết được có ngành đào tạo giáo viên dạy cho những bé này nên đã đăng ký thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Quy Nhơn để học. Sau 4 năm học tại trường, đến tháng 9/2013, cô Dang về công tác tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn.

"Trẻ em khuyết tật chịu rất nhiều thiệt thòi, vào trường không chỉ riêng em mà tất cả các thầy cô, cán bộ quản lý, các nhân viên nơi đây đều rất tận tình quan tâm, dạy dỗ các em, luôn mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất đến với các em", cô Dang tâm sự.

Cũng theo cô Dang, mỗi trẻ khuyết tật là mỗi tính cách khác nhau. Hầu hết các em ít tập trung đến việc học, vì thế mỗi năm nhận lớp cô luôn trăn trở, tìm tòi những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật. 

Trong đó có sáng kiến một số biện pháp hỗ trợ kỹ năng tập đọc cho trẻ khó khăn về học; một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học môn kỹ năng xã hội cho học sinh khó khăn về học, hay tạo hứng thú học toán cho học sinh lớp 2 - chậm phát triển trí tuệ…

Khi áp dụng những sáng kiến này để giảng dạy đã giúp các em tự tin hơn, hiệu quả học tập tốt hơn, các em thích được đi học, gắn bó với trường với lớp hơn, nâng cao khả năng hòa nhập và được phụ huynh rất tin tưởng.

"Tôi rất tự hào vì mình đã chọn nghề giáo và trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt. Tự hào và yêu nghề bao nhiêu, tôi càng trân quý những người thầy, người cô đi trước với những đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp Giáo dục; quý trọng tình cảm yêu mến, sự tin tưởng mà xã hội dành cho chúng tôi", cô Dang nhấn mạnh. 

Ngành Giáo dục đặc biệt đã và đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, cô Dang mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều chương trình, dự án, các lớp tập huấn về chuyên ngành Giáo dục đặc biệt để cô và các đồng nghiệp được học tập nâng cao năng lực dạy các em.

"Danh hiệu mà chúng tôi được trao tặng hôm nay rất cao quý. Đây là phần thưởng hết sức ý nghĩa. Tôi nghĩ đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào, mà còn là trách nhiệm lớn lao và nguyện sẽ đem hết trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp 'trồng người' đầy vinh quang này" - cô Nguyễn Thị Dang nói. 

Thầy cô giáo dục thể chất cần được coi trọng như giáo viên môn văn hóa

Là giáo viên Trường PTDTBT THCS Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, thầy giáo Vũ Văn Thành bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi những cống hiến trong 20 năm làm nghề đã được các cấp ghi nhận và được tham dự Lễ tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ.

Thầy Vũ Văn Thành, giáo viên Trường PTDTBT THCS Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Thầy Vũ Văn Thành, giáo viên Trường PTDTBT THCS Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

Thầy Thành cho hay, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và liên tục của Đảng và Nhà nước, công tác giáo dục thể chất, thể thao trong trường học ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tích to lớn.

Kết quả này có được là nhờ công tác giáo dục thể chất trong trường học có định hướng; sự hỗ trợ và giúp đỡ từ giáo viên giáo dục thể chất. Đặc biệt phải kể đến công tác phát hiện, bồi dưỡng, định hướng và tập luyện cho các tài năng, năng khiếu thể thao.

Chia sẻ một số khó khăn về chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên các môn thể dục thể thao, thầy giáo Vũ Văn Thành đề xuất cần có văn bản cụ thể, rõ ràng về chế độ cho đội ngũ giáo viên làm công tác phát hiện và bồi dưỡng cho học sinh giỏi môn thể dục các cấp. Các thầy cô giáo dục thể chất cần được coi trọng như giáo viên môn văn hóa.

Ngoài ra, cần có quy định cụ thể cho từng môn thể dục như điền kinh, bóng đá, đẩy gậy, kéo co... Khi giáo viên giáo dục thể chất bồi dưỡng học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp cũng cần được xem xét để xét các danh hiệu, khen thưởng và biểu dương như môn văn hóa.

“Cái gốc của thể thao Việt Nam là thể thao học đường. Do đó, thể thao học đường cần được phát hiện sớm và tạo điều kiện cho học sinh phát triển tốt nhất để phục vụ đất nước”, thầy giáo Vũ Văn Thành nhấn mạnh.

Tình yêu trẻ tạo động lực gắn bó với nghề giáo

Cô Nguyễn Thúy Duyên - Tổ trưởng chuyên môn khối 2, 3 Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) chia sẻ, trong không khí rộn ràng của tháng 11, mỗi một nhà giáo lại bồi hồi biết bao cảm xúc. Trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, đâu đâu cũng gặp không khí trang trọng mà ấm áp nghĩa tình kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam.

Cô Nguyễn Thúy Duyên - Tổ trưởng chuyên môn khối 2, 3 Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) phát biểu tại buổi gặp mặt.
Cô Nguyễn Thúy Duyên - Tổ trưởng chuyên môn khối 2, 3 Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) phát biểu tại buổi gặp mặt.

"Chúng tôi - những người thầy cô giáo như thấy mình trẻ lại, thấy lòng dạt dào niềm vui khi được đón nhận từ các em học sinh, từ quý bậc phụ huynh những bó hoa tươi thắm cùng tình cảm yêu thương trân trọng mà các em, các bậc phụ huynh cũng như toàn xã hội dành cho mình", cô Duyên bày tỏ.

Đó cũng là biểu hiện của truyền thống tôn sư trọng đạo – một nét đẹp đạo lý của dân tộc đã có từ ngàn đời.

Là một giáo viên sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền Trung đầy nắng gió, mưa lũ, khi chọn nghề dạy học, bản thân cô Duyên ý thức rõ trách nhiệm mà xã hội đã giao phó.

Cô luôn tự nhủ phải cố gắng hết lòng vì đàn em thơ với mong muốn các em có một tương lai tươi sáng để góp phần xây dựng quê hương, giúp quê hương thoát khó vượt nghèo.

Đó cũng là động lực để bản thân vượt khó vươn lên và đã đạt được một số thành tích trong quá trình công tác được các cấp ghi nhận.

Là một giáo viên, cô không chỉ phấn đấu rèn luyện về đạo đức, xứng đáng là tấm gương nhà giáo mẫu mực cho học sinh và đồng nghiệp noi theo mà đặc biệt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, tận tụy với nghề.

Trong chuyên môn, cô Duyên luôn tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực. Luôn linh hoạt, sáng tạo, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sao cho phù hợp với các đối tượng học sinh nhằm đạt hiệu quả cao trong các giờ học.

Đồng thời, cô Duyên muốn lan toả những kinh nghiệm giảng dạy của bản thân đến đồng nghiệp; cùng đồng hành, hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp của mình tiến bộ. Cô luôn tiếp thu những đổi mới về phương pháp dạy học nhằm giúp các em tiếp cận những kiến thức, phát triển các phẩm chất và năng lực, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Cô Duyên cũng bày tỏ, được tham dự buổi tiếp kiến với Thủ tướng chính phủ và gặp gỡ các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc hôm nay vừa là một niềm tự hào, một nguồn khích lệ, động viên to lớn.

"Đây cũng là một kỉ niệm đẹp, một dấu ấn khó quên trong cuộc đời mỗi nhà giáo có mặt tại buổi lễ hôm nay. Trong niềm vinh dự và tự hào này, tôi xin hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, đem hết năng lực và lòng nhiệt huyết của mình để cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người" - cô Nguyễn Thúy Duyên tâm sự.

Cùng nhau cống hiến, tận tụy với nghề

Cô Dương Thị Diến - giáo viên Trường Mầm non xã Trung Đồng (Tân Uyên, Lai Châu).
Cô Dương Thị Diến - giáo viên Trường Mầm non xã Trung Đồng (Tân Uyên, Lai Châu).

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô Dương Thị Diến - giáo viên Trường Mầm non xã Trung Đồng (Tân Uyên, Lai Châu) có 14 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, cho biết, luôn nhận được sự quan tâm động viên, khích lệ kịp thời của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chia sẻ của các đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2009, cô Diến tình nguyện lên Lai Châu công tác. Nơi cô làm việc thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Uyên ở thời điểm đó. Để đến được trường, cô phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ, lội qua 21 khe suối, 12 đèo, dốc; được trải nghiệm những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn của các thầy cô giáo “cắm bản” ở vùng sâu vùng xa là thế nào.

Theo cô Diến, với cấp học mầm non có những khó khăn vất vả đặc thù riêng. Hằng ngày, giáo viên phải đi sớm, về muộn để đón, trả trẻ, phải thực hiện song hành 2 nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục.

Hầu hết các lớp đều được bố trí thành lớp học ghép nhiều độ tuổi nên giáo viên gặp khó khăn. Tuy nhiên, cô vẫn luôn tự hào về nghề giáo. “Chỉ mong tất cả đồng nghiệp thân yêu, chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục cống hiến, tận tụy với nghề” – cô Diến trải lòng.

Nhà giáo là lực lượng nòng cốt thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sự kiện Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã được tiếp nối liên tục nhiều năm nay. Điều này cho thấy Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới giáo dục nói chung và lực lượng nhà giáo nói riêng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với các nhà giáo.

Thay mặt cho ngành GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng Chính phủ vì sự quan tâm hết sức ý nghĩa này.

Bộ trưởng cho biết: Với quan niệm nhà giáo là động lực, nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm tới đội ngũ nhà giáo và xác định đây là lực lượng nòng cốt, hạt nhân trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng; cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ về thực trạng đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng thông tin: Cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông, dạy nghề, đại học, làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập.

Tính đến hết năm học 2022 - 2023, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của cấp học mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp THCS là 90,3%, cấp THPT là 99,9%. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, bước đầu đáp ứng yêu cầu cơ bản về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học khi triển khai chương trình GDPT 2018.

Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là nhà giáo giỏi được điều động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, quản lý ở cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.

Các nhà giáo, nhà khoa học công tác tại cơ sở giáo dục đại học đã và đang đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Những phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế, phần lớn được thực hiện bởi các nhà giáo - nhà khoa học.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, khoảng trên 80% người tốt nghiệp qua đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%.

Đã hình thành các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước khắc phục được tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề của nhà giáo.

Tuy nhiên, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn chưa thật cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra tại nhiều địa phương.

Nhận thức về các khó khăn và thách thức, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cho biết hiện còn rất nhiều việc phải làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong mỏi các thầy, cô giáo cùng nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024
Sáng 23/4, Thủ tướng tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu