Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu quả lâu dài với lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là lãnh đạo nữ người dân tộc thiểu số, qua đó giúp họ áp dụng kiến thức, kỹ năng một cách hiệu quả. Những kế hoạch hành động được thực hiện thành công với khoảng 2000 đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi, vận động tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ vùng dân tộc thiểu số góp phần xóa bỏ định kiến giới và phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo.
Trung tâm Nghiên cứu phát triển phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi (FEMMA, https://femma.tnu.edu.vn) – Đại học Thái Nguyên là tổ chức Khoa học và công nghệ trực thuộc Đại học Thái Nguyên, với tầm nhìn phấn đấu trở thành một mắt xích quan trọng để tạo ra một tương lai ở đó tất cả phụ nữ và trẻ em gái (đặc biệt là dân tộc thiểu số, người khuyết tật...) được tôn trọng, được nhìn nhận, được tạo cơ hội và đối xử công bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện tốt các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
FEMMA hướng tới mục tiêu tạo cơ hội, trao quyền, thúc đẩy sự phát triển xã hội, giáo dục, kinh tế và chính trị của tất cả phụ nữ và trẻ em gái để đạt được bình đẳng giới thực chất thông qua các dự án hoạt động như vận động chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ; xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao năng lực và kỹ năng lãnh đạo, ra quyết định của phụ nữ; thúc đẩy sự bao gồm và cộng đồng đa dạng.