Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, tái khẳng định cam kết đối với Thỏa thuận Paris COP21 năm 2015), nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức "tuyệt đối dưới" 2 độ C trong thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực giảm hơn nữa ở mức 1,5 độ C. Bắc Kinh và Washington cũng mong muốn Hội nghị khí hậu thế giới sắp tới ở Dubai sẽ thành công.
Quy mô của sự hợp tác này còn hết sức khiêm tốn nhưng là những dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất thế giới vốn bất đồng trong một loạt các vấn đề cấp bách.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc không tìm cách "vượt trội hoặc thay thế Mỹ", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "Mỹ không nên tìm cách ép hoặc kiềm chế Trung Quốc". Ảnh: AFP
Mặc dù Tổng thống Joe Biden cho rằng các cuộc thảo luận đã diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và đạt nhiều tiến bộ quan trọng, nhưng trên thực tế các kết quả của hội nghị hết sức khiêm tốn.
Không có tuyên bố chung nào được đưa ra về những gì hai bên đã thoả thuận, đặc biệt là về các vấn đề mang tính chiến lược. Mỗi bên mới chỉ nêu ra các quan điểm riêng của mình. Hai bên còn có nhiều khác biệt trong các vấn đề như Đài Loan (Trung Quốc), Ukraine, Trung Đông, tự do hàng hải ở khu vực Thái Bình Dương.
Về vấn đề đề Đài Loan: Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi sâu rộng về vấn đề Đài Loan - một trong các vấn đề trọng tâm của cuộc gặp và quan điểm của hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi "chính sách một Trung Quốc".
Điều này rất quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là sau những bước đi của một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đối với Đài Loan, như chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến Đài Bắc vào năm ngoái và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tiếp bà Thái Anh Văn tại California đầu năm nay.
Tuy nhiên, ông Biden cáo buộc Trung Quốc tập trung quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục giúp đảo này tự vệ, cũng như duy trì khả năng răn đe trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Đại lục, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tránh can thiệp vào cuộc bầu cử trên đảo vào năm tới.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định "sự tất yếu" của việc tái sáp nhập hòn đảo này vào lục địa Trung Quốc, yêu cầu Washington ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Bắc và ủng hộ việc thống nhất hòa bình của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình nói, Mỹ không nên quyết định cách Trung Quốc giải quyết vấn đề của mình và cho rằng việc một bên tìm cách thay đổi quan điểm của bên kia là không thực tế. Trung Quốc ủng hộ "thống nhất hòa bình", nhưng không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực.
Chủ tịch Tập Cận Bình Chủ khẳng định "sự tất yếu" của việc tái sáp nhập Đài Loan vào lục địa Trung Quốc, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất hòn đảo. Ảnh: Getty
Về quản lý cạnh tranh:
Trong khi Tổng thống Biden kêu gọi quản lý cạnh tranh một cách "có trách nhiệm" để đảm bảo nó không biến thành đối đầu hoặc Chiến tranh lạnh thì Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trái đất này có đủ chỗ cho cả hai nước.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc không tìm cách "vượt trội hoặc thay thế Mỹ", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "Mỹ không nên tìm cách ép hoặc kiềm chế Trung Quốc". Chủ tịch Trung Quốc cảnh báo người đồng cấp Mỹ rằng Bắc Kinh không hài lòng với các biện pháp trừng phạt và hạn chế mà Mỹ áp đặt đối với các công ty Trung Quốc.
Ông nói: "Các biện pháp của Mỹ chống lại Trung Quốc liên quan đến hạn chế xuất khẩu, giám sát đầu tư và các biện pháp trừng phạt đơn phương đang gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của Trung Quốc".
Ông Tập nói "Trung Quốc không tìm kiếm các lĩnh vực ảnh hưởng hoặc 'soán ngôi Mỹ' và sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh lạnh hay nóng với bất kỳ quốc gia nào", nhưng cũng nhấn mạnh "Mỹ không nên tìm cách ép buộc hoặc kiềm chế Trung Quốc".
Đề cập đến mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, ông Tập tuyên bố "một khi đã được mở ra, cánh cửa quan hệ Trung - Mỹ sẽ không bị đóng lại nữa".
Vai trò quốc tế của Trung Quốc: Ngoài các vấn đề song phương, Washington mong muốn Trung Quốc, trong vai trò là nước có quan hệ thân thiết với Iran và Nga, không góp phần làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột quốc tế lớn, đặc biệt là cuộc chiến Israel - Hamas và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông Biden đề nghị Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc Tehran ủng hộ các tổ chức quân sự thân Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria.
Về Trung Đông, ông Biden nhắc lại sự ủng hộ đối với quyền tự vệ của Israel và đề nghị Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để ngăn chặn xung đột mở rộng.
Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, ông Biden nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại "sự xâm lược của Nga". Ông giải thích rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò hỗ trợ Ukraine và giúp thúc đẩy tầm nhìn của Tổng thống Volodymyr Zelensky khi xung đột kết thúc.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại San Francisco và những thoả thuận đạt được tuy còn khiêm tốn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ngăn chặn mối quan hệ giữa Mỹ - Trung leo thang căng thẳng hơn nữa và đưa mối quan hệ đi vào ổn định.
Hãy còn quá sớm để nói về sự tan băng, một bước đột phá nhanh chóng hoặc sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Mỹ - Trung. Tương lai của mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được và giải quyết các bất đồng lớn còn tồn tại.