Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xuất khẩu hàng hoá Việt hiệu quả

Liên Minh | 16/10/2023, 06:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Hiện nay, giao dịch trên các sàn TMĐT (Thương mại điện tử) đã trở thành thói quen đối với người tiêu dùng, đồng thời cũng là thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu.

tmdt-qua-bien-gioi.jpeg
TMĐT xuyên biên giới: Xuất khẩu hàng hoá Việt hiệu quả.

Xuất khẩu hàng hoá giữ vai trò quan trọng

Xuất khẩu đã và đang giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với Việt nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế với các nước thì xuất khẩu là kim chỉ nam để hợp tác và phát triển.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại số 26/2002/QH11 ban hành ngày 14/6/2002 thì "Xuất khẩu hàng hoá là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật".

Hoạt động xuất khẩu có thể được chia thành hình thức gồm xuất khẩu trực tiếp, uỷ thác, xuất khẩu tại chỗ và tạm nhập tái xuất. Với hình thức xuất khẩu trực tiếp là hình thức mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ mà bên mua và bên bán sẽ ký hợp đồng trực tiếp với nhau.

Với hình thức xuất khẩu uỷ thác là hình thức bên xuất khẩu uỷ thác cho một đơn vị khác để tiến hành các thủ tục xuất khẩu. Khi đó doanh nghiệp nhận uỷ thác sẽ ký hợp đồng uỷ thác với các đơn vị trong nước, thực hiện các nghiệp vụ và có chi phí rõ ràng.

Đối với xuất khẩu tại chỗ thì hàng hoá không được vận chuyển ra khỏi biên giới lãnh thổ nhưng khách hàng nước ngoài vẫn mua và sử dụng được.

Tạm nhập tái xuất là hình thức khi đó thương nhân Việt Nam sẽ tạm nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam và sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.

Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ đã thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, mở ra nhiều cơ hội về việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Vài năm gần đây, nền kinh tế thế giới chịu sự tác động, hoành hành của đại dịch Covid- 19, xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử không chỉ trở thành nhân tố then chốt mà còn là xu hướng tất yếu của tất cả các quốc gia.

Và Việt Nam là một nước đang phát triển, chiến lược hướng về xuất khẩu là một giải pháp tối ưu để tận dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của nước ngoài, kết hợp với lợi thế tài nguyên thiên nhiên và lao động trong nước.

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư ngày càng mạnh mẽ đã khiến giao dịch trên thương mại điện tử trở thành một lối sống của người hiện đại, phổ cập đến người dân.

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ- CP về thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Cũng theo nghị định đã giải thích sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hàng mũ hàng hoá, dịch vụ trên đó.

8-nhom-giai-phap-toan-dien-xuat-khau-qua-tmdt.png
8 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá trên  TMĐT.

Kênh phân phối hàng hoá

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là thị trường số rộng lớn, tạo cơ hội cho hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực, ngành hàng. Tuy nhiên, để giao thương thành công trên những nền tảng có nhiều khách hàng khó tính như Amazone, các nhà sản xuất, phân phối Việt Nam phải hội đủ nhiều yếu tố.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD; kinh tế số Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD. Dự kiến, tới năm 2025, con số này có thể đạt 49 tỷ USD. Các nhà quan sát quốc tế cũng nhìn nhận đây là mức tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam đáng ngưỡng mộ.

Đó là lý do nhiều năm qua các cơ quan chức năng phối hợp cùng các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba tổ chức nhiều khoá tập huấn, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam có thêm kiến thức để xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, dệp may… Những sản phẩm này được khách hàng quốc tế ưa chuộng khi nhắc tới thương hiệu hàng hoá Việt Nam.

Trong số đó, Amazon được nhìn nhận là nền tảng khó tiếp cận nhất, bởi đa số khách hàng ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu sẵn sàng chi trả nhưng chọn mua sản phẩm rất khắt khe.

Năm 2022, đã có 1.300 doanh nghiệp diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam được tham gia các lớp đào tạo tập huấn diện này, với rất nhiều kiến thức nền tảng về TMĐT toàn cầu: Từ lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn nào cho phù hợp với thị trường; cách thức vận chuyển – logistic xuyên biên giới có gì khác biệt so với vận chuyển nội địa; hợp đồng giao dịch trực tuyến thực hiện thế nào là đảm bảo; việc chốt đơn hàng và nhận đặt cọc, cũng như chuyển phí cho bên trong gian có yếu tố ngoại phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì..?

Các doanh nghiệp diện Việt Nam đã không chỉ có được gian hàng cố định trên Amazon, đang lan toả thương hiệu hàng Việt Nam ra toàn thế giới, mà còn trở thành động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt khác, với kỳ vọng đưa hàng Việt “vươn khơi” và phát triển quy mô doanh nghiệp.

Tổng số lượng sản phẩm hàng hoá Việt Nam bán được trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới trong cả năm 2022 tăng 40% so với năm 2021, với tốc độ tăng trưởng 45% - được chuyên gia khẳng định là nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng TMĐT nội địa.

Đây rõ ràng vẫn là thị trường “màu mỡ”- là cơ hội tốt cho hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ, dệt may… cần các doanh nghiệp Việt Nam sớm nhận diện, tận dụng.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xuất khẩu hàng hoá Việt hiệu quả