Tiêm kích MiG-31 của Nga lợi hại ra sao?
Điểm then chốt là tiêm kích MiG-31 đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tên lửa Kinzhal đạt được tốc độ siêu thanh.
Tên lửa mang trên tiêm kích MiG-31 sẽ được phóng từ độ cao khoảng 20 km so với mặt đất và ở tốc độ ít nhất là 1.500 km/giờ. Tốc độ của tiêm kích này cho phép Kinzhal đạt tốc độ tối đa, gấp 8-10 lần tốc độ âm thanh, khiến tên lửa có khả năng gây sát thương cao và gần như không thể bị đánh chặn.
Còn phiên bản MiG-31BM nâng cấp sử dụng tên lửa không đối không tầm xa R-33 và tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
MiG-31BM được trang bị 2 động cơ D-30F6, với tốc độ tối đa 3.000 km/giờ, trần bay 20.600 m và được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu giữa không trung.
Không rõ có bao nhiêu chiếc MiG-31 nguyên bản đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn 31BM nhưng có thông tin cho rằng con số này chưa đến 100 trong số 500 chiếc sản xuất từ thời Liên Xô.
Mặc dù tiêm kích MiG-31 không được phát triển để chiến đấu tầm gần hoặc quay đầu nhanh nhưng nó là máy bay chiến đấu đầu tiên của Liên Xô có khả năng nhìn xuống và bắn hạ. MiG-31 cũng có thể ở độ cao rất lớn để theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc.
Radar Zaslon của MiG-31 là radar mảng pha đầu tiên trên thế giới có tầm hoạt động 200 km. Nó có thể theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc và kiểm soát sự tấn công của 4 mục tiêu trong số đó cùng một lúc.
Do máy bay chiến đấu siêu thanh này có khả năng mang tên lửa đạn đạo Kinzhal nên mỗi khi một chiếc MiG-31 cất cánh từ căn cứ quân sự Nga gần Ukraine, cảnh báo không kích sẽ được đưa ra trên toàn bộ đất nước, đôi khi kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Như tờ Kyiv Post gần đây đưa tin rằng rất nhiều doanh nghiệp ở Ukraine có chính sách an toàn là đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh khi có cảnh báo không kích.
Do đó, các cảnh báo do MiG-31 kích hoạt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine. Nga biết rằng họ có thể làm gián đoạn việc kinh doanh của Ukraine chỉ đơn giản bằng cách đưa một chiếc MiG-31 lên không trung và để nó bay vòng quanh một lúc.