Ông Bielieskov nhận định quyết định cuối cùng của Ukraine sẽ không phải là tiến công bằng mọi giá, mặc dù có thể khiến các nước phương Tây thất vọng khi họ đặt hy vọng vào một sự đảo chiều xứng đáng với sự đầu tư của mình. Trên thực tế, các phòng tuyến mà Nga thiết lập ở phía Nam Ukraine quá vững chắc và khó xuyên thủng với bất kỳ lực lượng tấn công nào. Hơn nữa, hiện Ukraine không có ưu thế trên không.
"Nếu nỗ lực của Ukraine sử dụng lực lượng và trang thiết bị trên quy mô lớn nhằm xuyên thủng phòng tuyến Nga bị đẩy lùi và nếu không còn khả năng thực hiện các chiến dịch trong tương lai thì chúng ta có thể nói rằng cuộc phản công này đã thất bại", chuyên gia này đánh giá.
Với các chiến lược gia quân sự Ukraine, tình hình hiện nay có thể khiến nước này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Các lực lượng của Nga đã thiết lập các vị trí phòng thủ vững chắc dọc tiền tuyến chạy từ khu vực Kherson ở phía Nam tới khu vực Kharkiv ở phía Đông Bắc. Nga cũng duy trì lực lượng trong lãnh thổ của mình dọc biên giới phía Bắc với Ukraine.
Tại phía Tây, quân đội Nga thường xuyên xoay vòng lực lượng qua Belarus như một phần của các cuộc tập trận nhưng phương Tây cho rằng động thái đó là để che đậy cho sự tăng cường lực lượng.
Trong khi đó, với mức độ tổn thất nặng nề như hiện nay, nếu Ukraine tiếp tục tấn công thì nước này sẽ không còn khả năng cầm cự trước quân đội Nga.
"Nếu Ukraine tiến công quá nhanh và quá mạnh với mục tiêu giành lại lãnh thổ, họ sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực mà trong bức tranh toàn cảnh và về lâu dài, điều đó sẽ làm giảm khả năng phòng vệ của họ", chuyên gia George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho hay.
"Nếu họ tiêu tốn quá nhiều trang thiết bị, tổn thất quá nhiều lực lượng và suy giảm nhuệ khí chiến đấu thì thậm chí cả khi họ xoay xở để giành lại một phần lãnh thổ thì đó cũng không nhất thiết là chiến thắng", chuyên gia này bình luận.
Dù vậy, nếu giới chức Ukraine quá thận trọng và không thể gây ra tổn thất đáng kể cho quân đội Nga, thì Kiev có nguy cơ rơi vào cuộc xung đột tiêu hao với lợi thế thuộc về Moscow.
"Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột tiêu hao với Nga", chuyên gia Barros nhận định.
Bất chấp gần 100 tỷ USD hỗ trợ quân sự phương Tây đổ vào Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, Kiev vẫn không có đủ số lượng hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và lực lượng trên tiền tuyến, cũng như không có các phương tiện dọn mìn cần thiết hay chiến đấu cơ để bảo vệ cho lực lượng tiến công hoặc đạn dẫn đường chính xác để tấn công các trung tâm hậu cần và bốt chỉ huy của Nga.
Tháng trước, các nước G7 đã ra tuyên bố chính thức đảm bảo sẽ xây dựng một "lực lượng bền vững có thể bảo vệ Ukraine hiện nay và ngăn chặn các hành vi gây hấn của Nga trong tương lai". Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu không có sự gia tăng đáng kể về hỗ trợ quân sự, khó có thể tưởng tượng lực lượng trên đi vào hoạt động.
"Chừng nào các cuộc không kích của Nga còn nhắm vào các nhà máy của Ukraine thì chúng tôi không thể tự sản xuất vũ khí của mình. Chúng tôi cần đạt được đột phá nhưng trừ khi có lợi thế về lực lượng và thiết bị với tỷ lệ 3 - 1, nếu không thì chúng tôi không thể đạt được mục tiêu”, chuyên gia về an ninh của Ukraine Anton Gerashchenko nói.