Mã đáo
Đồi Bá Vân quả thật có mối duyên với loài ngựa. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công an quyết định chọn khu vực đất nằm trên đồi Bá Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi làm“căn cứ” để đào tạo kỵ binh cho lực lượng Công an nhân dân. Bởi nơi đây có lợi thế về không gian cùng với trang trại, đồng cỏ, bãi chăn thả, cơ sở nuôi dưỡng ngựa lâu đời, rất thuận lợi cho việc thuần hóa, huấn luyện ngựa chiến đấu.
Đồi Bá Vân có lịch sử đón đàn ngựa nước ngoài từ năm 1964. Năm 1995, Trại tiếp nhận đàn trâu Murah giống Ấn Độ từ Sông Bé chuyển ra, thêm nhiệm vụ lai tạo giống trâu để chuyển giao cho các vùng. Đầu năm 2020, đàn ngựa hơn 100 con hoang dã, chưa được thuần phục từ sa mạc sa mạc Gobi (Mông Cổ) được đưa về Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh, Bộ Tư lệnh CSCĐ, Bộ Công an. Việc đưa đàn ngựa về Việt Nam là nỗ lực, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và cán bộ chiến sĩ được trực tiếp giao nhiệm vụ.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã từng nhấn mạnh: “Trước đây, khi Bộ Công an còn lực lượng Công an vũ trang thì cũng có lực lượng kỵ binh rồi, lúc đó chủ yếu tuần tra biên giới, chưa có đường sá, phải dùng ngựa đi tuần tra. Ngựa thì có thể đi bất kể địa bàn nào, từ miền núi, có đường hay không có đường, đường rừng, mang được nặng...".
Mô hình CSCĐ Kỵ binh được Bộ Công an thành lập dựa trên việc học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhiều nước trên thế giới, sử dụng vào rất nhiều nhiệm vụ, liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng kỵ binh sẽ phục vụ các công việc cần thiết, thậm chí trong các nghi thức cấp quốc gia, lễ tân của nhà nước... tiến tới nghiên cứu sử dụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát.
Ngay từ đầu những năm 1970, cán bộ Trại ngựa đã thực hiện đề tài khoa học lai tạo ra giống ngựa Việt Nam kiêm dụng thồ, kéo, cưỡi phục vụ miền núi và quốc phòng. Lúc đó các kĩ thuật viên đã bắt đầu huấn luyện đàn ngựa theo đội hình diễu binh, cưỡi ngựa vượt chướng ngại vật, phi ngựa bắn cung, phóng lao. Giờ đây, Đoàn CSCĐ Kỵ binh đang tích cực triển khai nhiều hoạt động huấn luyện và ngày càng chuyên sâu. Có khoảng 70 CBCS phụ trách huấn luyện khoảng 70 con ngựa chia thành các tiểu đội chống bạo loạn và diễu binh diễu hành, tiểu đội vận động cơ bản, tuần tra kiểm soát và tiểu đội thồ hàng. Từ khoảng đồi Bá Vân, những “chuyến công tác” của đàn ngựa ngày càng nhiều, ghi dấu ấn trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.
Đồi Bá Vân hơn 60 năm qua là mảnh đất bình yên cho đàn ngựa sinh sôi phát triển. Có biết bao “bà đỡ” mát tay ở Trại ngựa. Đến bây giờ, có thêm những “bà đỡ” mặc sắc phục Công an. Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng – Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết số ngựa của Đoàn CSCĐ Kỵ binh giờ đã tăng thêm hơn 30 con, nhiều chú ngựa trưởng thành đã được biên chế vào đội hình huấn luyện. Đặc biệt, cán bộ của Đoàn CSCĐ Kỵ binh đã kết hợp nghiên cứu cùng cán bộ của Trung tâm tạo ra giống ngựa lai. Đó là chú ngựa có mẹ là ngựa Mông Cổ, còn bố thuộc giống ngựa đua của Anh, hiện đã được hơn 1 tuổi, có thể chất to lớn hơn ngựa cùng tuổi. Hy vọng chú ngựa sẽ có tầm vóc cao to của ngựa đua và sức bền của ngựa Mông Cổ để tạo ra một thế hệ ngựa mới với nhiều ưu việt của giống loài.
“Thời gian đầu, khi Đoàn CSCĐ đóng quân ở đây, chúng tôi hỗ trợ, hướng dẫn các anh ấy về kĩ thuật nuôi ngựa. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, CBCS của Đoàn CSCĐ Kỵ binh rất tích cực nghiên cứu tài liệu về chăn nuôi ngựa, cộng với chuyên môn, kinh nghiệm về động vật nghiệp vụ, nên giờ các anh ấy lại giúp đỡ chúng tôi rất nhiều”, Tiến sĩ Đại cởi mở chia sẻ.
Đàn ngựa vẫn ngày ngày hít thở không khí đồi Bá Vân, ăn cỏ đồi và uống nước sông Công. Từng khoảng đất thấm đẫm mồ hôi của cán bộ chăn nuôi, của các chiến sĩ trên thao trường. Nhịp vó ngựa vang vọng đêm ngày, tiếng ngựa hý, tiếng hô vang dậy đã tạo nên sức sống, viết nên những bí ẩn thú vị của đồi Bá Vân.