Bên cạnh đó, việc xem xét liêm chính khoa học cần có giải pháp đặc thù trong quản trị nghiên cứu thông qua những bộ phận đặc biệt như hội đồng liêm chính học thuật, ủy ban đạo đức nghiên cứu… nhưng các trường lại thiếu chuyên gia am hiểu sâu, có kinh nghiệm và bản lĩnh giải quyết vấn đề này một cách khoa học nhất.
Thực tiễn đời sống giáo dục và khoa học cho thấy bên cạnh đẩy mạnh văn hóa liêm chính khoa học, cần thiết nghiên cứu và ban hành quy định chung về quy tắc ứng xử hay liêm chính khoa học từ cấp quản lý vĩ mô, để các trường thuận lợi trong việc xây dựng bộ quy chế và quản trị liêm chính khoa học ở cơ sở.
Song song đó, cần tiến tới xây dựng cơ quan/đội ngũ chuyên trách về liêm chính khoa học như ở các nước tiên tiến. Trong khi chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ chuyên trách, rất cần tận dụng kinh nghiệm/tài nguyên về bảo đảm liêm chính khoa học của một số đơn vị tiên phong để nhân rộng triển khai.
Hiện, bên cạnh đưa quy định liêm chính học thuật vào quy chế đào tạo, nhiều trường đại học còn xây dựng quy chế riêng. Đặc biệt, NAFOSTED, nơi được thành lập theo mô hình của Quỹ khoa học Thụy Sĩ, đã ban hành văn bản quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ, dựa trên Tuyên bố Singapore và góp ý của các nhà khoa học Việt Nam.
Chuyển động tích cực của những đơn vị tiên phong đã và đang được kỳ vọng “tiếp lửa” tinh thần cho các cơ sở giáo dục Việt Nam hướng tới thực hiện liêm chính khoa học một cách bài bản nhất.