Tìm giải pháp giảm thiểu asen trong lúa gạo

Mai Chi | 01/12/2022, 06:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giảm thiểu asen trong lúa gạo giúp nâng cao giá trị cho hạt gạo và bảo vệ sức khỏe người dùng; đây không phải là vấn đề riêng quốc gia nào.

Asen tích lũy tự nhiên trong đất

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN cùng nhóm nghiên cứu đã triển khai dự án mang tên “Asen trong lúa gạo Việt Nam - hiện trạng, dự báo xu hướng trong tương lai và các giải pháp giảm thiểu”. Đây cũng là dự án được Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, asen là nguyên tố có hại, đặc biệt dạng asen vô cơ có thể gây ung thư. Ở những vùng đất trồng lúa ô nhiễm asen, nguyên tố này có thể được hút thu và tích lũy trong gạo. Do gạo là nguồn lương thực chính của hơn 1/2 dân số toàn cầu nên asen trong gạo là vấn đề được cộng đồng khoa học đặc biệt quan tâm.

Hầu hết các vùng đồng bằng trồng lúa trên thế giới đều tích tụ asen bắt nguồn từ các quá trình địa chất tự nhiên hoặc do nhiều hoạt động nhân sinh khác nhau. Vì vậy, sự tích lũy asen trong đất được xem là một trong những nguy cơ lớn (bên cạnh biến đổi khí hậu) có thể tác động đến canh tác lúa nước, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng trên quy mô toàn cầu.

Do asen sẵn có trong đất, trầm tích nên sự hút thu và tích lũy asen trong lúa được xem là “không thể đảo ngược”. Mặc dù vậy, giới hạn hút thu và tích lũy asen phụ thuộc vào các yếu tố lý hóa sinh học trong môi trường đất. Vì vậy, phát triển các kỹ thuật canh tác phù hợp cũng có thể hạn chế phần nào sự hút thu và tích lũy asen.

Trong bối cảnh có nhiều biến động lớn về môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm và sự thay đổi nhanh chóng về kỹ thuật chọn giống, phân bón, tưới tiêu, mức độ tích lũy asen trong lúa gạo có nhiều khả năng sẽ thay đổi.

Ở Việt Nam, có nhiều ý kiến trái chiều về việc nghiên cứu độc tố trong lương thực thực phẩm (cụ thể là về asen trong lúa gạo) và e ngại những công bố về vấn đề này có thể ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vấn đề gạo của Việt Nam nhiễm asen đã được các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo từ gần 2 thập kỷ trước.

“Bản đồ ô nhiễm asen trong gạo” của các vùng trồng lúa trọng điểm trên toàn thế giới cũng đã được công bố năm 2020. Các nước phát triển có xu hướng chọn lọc nguồn cung ứng gạo bằng cách siết dần tiêu chuẩn asen trong gạo.

Trong khi đó, nhiều quốc gia không có lựa chọn nào khác dù biết gạo chứa nhiều asen họ vẫn phải nhập khẩu. Một số quốc gia chọn cách “nới rộng tiêu chuẩn cho phép” để tạo cảm giác an tâm, nhưng chắc chắn giải pháp này không phù hợp và không bền vững vì không giải quyết được tận gốc các vấn đề.

Giảm thiểu ô nhiễm asen trong lúa gạo

PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, nghiên cứu về asen trong gạo có phạm vi ứng dụng/liên quan đến gần 4 triệu héc-ta đất trồng lúa ở Việt Nam. Vài năm trở lại đây, đã có những nghiên cứu về asen trong gạo ở Việt Nam nhưng chỉ mang tính cục bộ. Đến nay, vẫn chưa có một đề tài nào nghiên cứu về hiện trạng asen trong lúa gạo trên quy mô toàn quốc.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ cung cấp được bức tranh tổng thể về asen trong lúa gạo ở Việt Nam, dự báo diễn biến về xu hướng tích lũy trong tương lai, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, tạo tiền đề cho các giải pháp bền vững nhằm giảm thiểu nguy cơ từ asen trong lúa gạo đối với sức khỏe cộng đồng.

“Chúng tôi dự kiến tiến hành ở quy mô lớn và có nhiều biến số tác động. Cụ thể, bên cạnh các yếu tố nhiệt độ và CO2 sẽ bổ sung thêm tác động của các yếu tố về độ mặn, chế độ nước và sự bổ sung vật liệu đối kháng hút thu asen, và thực hiện cho điều kiện đặc thù về môi trường đất ở Việt Nam”, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

Là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo, Việt Nam cần có trách nhiệm cùng với thế giới đẩy mạnh nghiên cứu và minh bạch hóa vấn đề tích lũy asen trong gạo. Và quan trọng hơn hết là đóng góp các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động từ gạo tích lũy asen trên toàn thế giới.

Gạo là thực phẩm chủ yếu được tiêu thụ rộng rãi nhất, chiếm 20% nguồn cung cấp năng lượng trong khẩu phần ăn trên thế giới. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng gạo có thể chứa asen (hay còn gọi là thạch tín) và dạng asen vô cơ trong gạo có thể là tác nhân gây ung thư.

Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe, thậm chí đã có một số cảnh báo về gạo nhiễm độc tại nhiều vùng trồng lúa trên thế giới. Nghiên cứu này của nhóm sẽ hóa giải điều này nhờ các giải pháp giảm thiểu asen cụ thể.

Bài liên quan
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Cần Thơ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học
Ngày 28/11, lãnh đạo Sở GD&ĐT Cần Thơ kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp giảm thiểu asen trong lúa gạo