Bởi vậy, phần lớn khuôn mặt được tạo tác ở góc chính diện, nhìn thẳng về phía trước với con mắt to trợn tròn, răng nhọn có thể có sừng, râu bờm. Đáng chú ý, theo nghiên cứu của ông Thế, hình ảnh quỷ dữ không chỉ có ở các không gian tín ngưỡng, mà còn xuất hiện ở nhà dân.
Sen hóa quỷ
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, hình ảnh La Hầu - ác quỷ trường sinh bất tử chỉ còn đầu và hai chi trước, được người Việt tiếp nhận và sáng tạo thành một linh vật thiêng.
“Hình La Hầu chủ yếu ở dạng thức phù điêu nên thường xuất hiện ở vị trí ngoại diện kiến trúc là các đầu hồi, trên trụ biểu. Trang trí nội diện kiến trúc, đồ án La Hầu xuất hiện nhiều trên các vì nóc. Ở hình thức trang trí trong môi trường kiến trúc, ở hình thức tượng tròn, chưa thấy sự hiện diện của đồ án La Hầu”, ông Thế cho hay.
Hình ảnh đặc trưng của La Hầu là miệng rất rộng đang cố nuốt chữ Thọ. Cơ thể chỉ còn lại hai chi trước. Cấu tạo này phù hợp với tích Khuấy biển sữa. Chữ Thọ, bát quái đồ, hồ lô… đều ẩn dụ tới thuốc trường sinh mà quỷ La Hầu đã uống.
Với ý nghĩa thuộc về “tầng trời” nên đồ án La Hầu thường xuất hiện ở phần cao nhất của mái, hồi hoặc nóc nhà. Duy nhất ở đền vua Đinh, có những mảng chân tảng khắc hình La Hầu, là ngoại lệ cực hiếm. La Hầu trông khá giống với rồng nhưng không phải là rồng.
Trong kiến trúc nhiều ngôi chùa ở Huế có hình La Hầu đội bánh xe Pháp luân. Đây là ví dụ điển hình của ác quỷ, ác thú trong Hindu giáo cải tà quy chính phục vụ Phật pháp. Garuda, Yaksha (quỷ Dạ Xoa) là những ví dụ điển hình. Trên mái chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Tôn (Huế) đều có hình tượng La Hầu đội chữ Vạn hoặc bánh xe Pháp luân.
Xét về nguồn gốc biểu tượng thì La Hầu liên quan đến sự kiện Khuấy biển sữa đã lén trộm uống nước trường sinh, không liên quan đến hoa sen. Trong nghệ thuật Phật giáo Thái Lan hay Khmer Nam Bộ cũng không khắc họa La Hầu hoa sen. Tuy nhiên, hình ảnh hoa sen hóa La Hầu lại được phát hiện ở đền Kim Liên (Hà Nội), đền Vua Lê (Hoa Lư – Ninh Bình)… tạo nên cảm giác trữ tình, hiền lành và gần gũi hơn cho biểu tượng này.
La Hầu đã tồn tại trong mỹ thuật người Việt qua nhiều thế kỷ, trở thành biểu tượng được sáng tạo và sử dụng trong cộng đồng, không phân biệt dân gian hay cung đình. Có thể nói La Hầu là một sáng tạo cộng đồng, đi từ dân gian, qua năm tháng dần dần định hình trở thành ước vọng lâu bền, trường thọ. Mặc dù không liên quan trực tiếp tới biểu tượng rồng, nhưng chính văn hóa rồng của người Việt đã là bệ đỡ sáng tạo quan trọng cho đồ án này.