Hướng tới người trẻ, lan tỏa sáng tạo
Giám tuyển Lê Thiên Bảo cho biết thêm, tất cả triển lãm trong tuần lễ “Nổ cái bùm” đều do nghệ sĩ tự làm chủ nội dung, cách trình bày tác phẩm. Họ cùng làm việc, trao đổi với các đồng nghiệp. Chương trình cũng hướng tới học sinh – sinh viên, nhằm lan tỏa và kích thích sáng tạo đối với thế hệ trẻ.
Đà Lạt mộng mơ 2022 tập trung hơn 100 nghệ sĩ và người làm sáng tạo. Trong đó, hơn 57% các tác phẩm được thực hiện dưới hình thức âm nhạc, trình diễn thể nghiệm và video. 66% nghệ sĩ là những người trẻ dưới 35 tuổi và chưa có nhiều dịp tiếp cận công chúng.
Đặc biệt, Đà Lạt mộng mơ 2022 còn quy tụ được các tác phẩm truyền thống như tuồng cải lương “Bóng người xưa” do nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc đạo diễn/biên tập và kịch bản. Vở kịch “Giấc mơ người coi chim” của nhóm Nhà Chung, do Tây Phong đạo diễn và hàng loạt các bộ phim mới của các nhà làm phim thuộc nhiều thế hệ, ở trong và ngoài nước như: Síu Phạm, Phạm Văn Nhận, Phạm Hoàng Minh Thy, Lê Bình Giang…
“Sự đa dạng này hứa hẹn mang lại một điểm giao thú vị giữa các thế hệ nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ban tổ chức cũng hi vọng đây là dịp để những người làm sáng tác có dịp tiếp xúc với công chúng ở các địa phương khác nhau”, giám tuyển Lê Thiên Bảo cho biết.
Đặc biệt, trong tuần lễ nghệ thuật còn quy các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Trong đó, các nghệ sĩ thuộc thế hệ Gen Z (nhóm nghệ sĩ sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 – 2012) sẽ có cơ hội được trực tiếp gặp gỡ và trưng bày cùng những nghệ sĩ đi trước như: Nguyễn Trinh Thi, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Trân Châu… Đồng thời, kết nối nghệ thuật với các nhà nông nghiệp, nghiên cứu văn chương và sinh học thông qua các hoạt động điền dã, tọa đàm.
Để tham dự hết tuần lễ nghệ thuật này, một tấm “bản đồ nghệ thuật” (art map) sẽ hướng dẫn người xem đi qua 7 không gian trưng bày tác phẩm tại các điểm: Nhà triển lãm Đà Lạt (khu Hòa Bình), Trường ĐH Đà Lạt, Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, Hội Văn học Nghệ thuật, Không gian nghệ thuật Stop and Go, Không gian nghệ thuật Youi’s và Phố Bên Đồi studio.
Đồng thời, lịch trình của 5 ngày lễ hội cũng vô cùng phong phú với nhiều hoạt động thể thao, workshop, trò chuyện nghệ thuật và sinh thái, biểu diễn âm nhạc điện tử, cải lương, múa đương đại, chiếu phim và kịch diễn ra rải rác tại khắc các địa điểm di tích khác nhau.
Đến với “Nổ cái bùm”, người xem không chỉ được đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật đương đại, mà còn có dịp thăm thú các điểm đến mang đậm bản sắc Đà Lạt - gắn liền với lịch sử hình thành và nhịp sống ngày nay của xứ sở cao nguyên.