Art toy Việt Nam và khoảng trống nghệ thuật khó lấp đầy

Trần Hoà | 16/01/2022, 10:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khi thị trường art toy thế giới ngày càng sôi động thì tại Việt Nam, nghệ thuật art toy đìu hiu và để lại một khoảng trống lớn.

Cảm hứng truyền thống

Theo giới sưu tập nghệ thuật đồ chơi thiết kế tại Việt Nam, art toy rất đa đạng về chất liệu: Nhựa ABS, vinyl, gỗ, kim loại, resin, đất sét… Tuy nhiên, giá bán của art toy không dựa trên chi tiết hay chất liệu tác phẩm mà chịu ảnh hưởng về hàm lượng nghệ thuật cũng như tên tuổi người tạo ra.

Mặc dù giới chơi art toy Việt mới chỉ chập chững những bước đầu tiên, nhưng cho đến nay một số bạn trẻ cũng như nhà sưu tầm đã coi thiết kế art toy là nghề tay trái để thoả sức sáng tạo. Với một sân chơi non trẻ, việc kiếm tiền từ các thiết kế không dễ dàng nhưng là tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo – nằm trong ngành công nghiệp văn hoá.

Khác với những loại hình đồ chơi khác, các sản phẩm art toy đều được làm thủ công do chính các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện. Họ tự quyết định ý niệm, cách thể hiện và ra mắt công chúng.

Một trong những thiết kế ấn tượng tại Việt Nam mang tinh thần dân tộc, đồng thời phác hoạ vốn văn hoá là 3 nhân vật rồng (Street Dragon) của The O Room. Lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” - Street Dragon được tạo ra dựa trên những liên tưởng về tổ tiên người Việt trong cuộc sống đương đại, nay ngồi ghế nhựa uống trà đá nói chuyện cùng bạn bè.

The O Room nói rằng, việc sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng đến việc nặn tay tạo hình nhân vật. Sau khi hoàn thiện bước đầu sẽ đổ khuôn, đúc resin, xử lý bề mặt, sơn hoàn thiện và tạo ra được thần thái để chuyển tải thông điệp nhân vật.

toy-viet-nam-2.jpg

Một sáng tạo của The O Room từ ý tưởng đô thị Việt Nam.

Với nhiều người, sáng tạo art toy có vẻ dễ hoặc không có gì quá khó khăn. Tuy nhiên, cộng đồng art toy nghệ thuật lại cho rằng không đơn giản. Như The O Room chia sẻ “công đoạn khó nhất là giữ bản thân đi được đến bước cuối cùng, vì thực sự ở bước nào cũng có áp lực và khó khăn riêng”.

Đồ chơi vốn là niềm vui dành cho trẻ em, art toy vượt qua đồ chơi thuần tuý để đạt tầm nghệ thuật. Bởi vậy, sự thú vị của bộ môn art toy được cấu thành bởi 2 yếu tố: Nghệ thuật và đồ chơi. Nghệ sĩ thiết kế buộc phải có câu chuyện cho các nhân vật mà mình tạo ra.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có bất cứ một cơ sở hay khoá học nào đào tạo về art toy. Người chơi và tham gia thiết kế phải tự học hỏi, tìm tòi kiến thức qua các hội nhóm. Bởi vậy sự hạn chế của nghệ thuật art toy ở nước ta đã tạo ra một khoảng trống lớn, rất khó lấp đầy.

Tại nước ta, các sản phẩm art toy thường mang giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tinh thần cao hơn kinh tế. Các nghệ sĩ thiết kế đồng thời là những người chơi, họ sáng tạo art toy hoàn toàn thủ công nên sản phẩm ra đời cũng là độc bản. Bước đầu, art toy ở Việt Nam chủ yếu được “qua tay” giới sưu tầm hoặc những người thích trang trí nội thất bằng đồ chơi có giá trị thẩm mỹ cao.

Bài liên quan
Hot Tiktoker Dương Quang Huy đeo đuổi đam mê nghệ thuật
Hot Tiktoker Dương Quang Huy đang có gần 800 nghìn lượt theo dõi và 7 triệu lượt thích. Ít ai biết, để đeo đuổi đam mê nghệ thuật, Huy đã phải trải qua nhiều cú trượt.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Art toy Việt Nam và khoảng trống nghệ thuật khó lấp đầy