Giáo dục quyết định văn minh
Chiron Dương sinh năm 1996, là một nhiếp ảnh gia và kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam. Nghệ sĩ trẻ từng nổi tiếng với các tác phẩm nhiếp ảnh thời trang từ nền văn hóa truyền thống Việt Nam, cũng như các quốc gia châu Á khác.
Chiron Dương truyền tải những cảm giác bí ẩn về văn hóa dân gian, đức tin và tôn giáo trong đời sống Á Đông thông qua những bức ảnh giao thoa văn hóa Đông - Tây. Anh nhận giải Đặc biệt của Cuộc thi “Prix Picto De la Mode 2020” tại Pháp và được triển lãm thành công tại quốc gia này.
Năm 2020, trong quá trình hoàn thành đồ án tốt nghiệp, Chiron Dương trăn trở về những vấn nạn đe dọa sự sinh tồn của rừng ngập mặn trên khắp Việt Nam. Dự án được anh lấy cảm hứng thị giác từ chính các cánh rừng đước vùng Tây Nam Bộ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thực trạng, vai trò sinh học cũng như giá trị văn hóa của mảng thực vật đặc hữu.
Những thông tin về biến đổi khí hậu đến với người trẻ thường chỉ nổi lên ở vài thời điểm nhất thời, như hạt cát giữa sa mạc thông tin. Và những vấn đề về biến đổi khí hậu diễn ra ở đâu đó khá xa vời. Nhưng chúng ta đang đối mặt với hiện thực rằng, diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đã giảm 20 - 35%. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng từ nước biển dâng.
“Với tôi, giáo dục có vai trò quyết định trong phát triển văn minh nhân loại. Thế hệ đi trước có trách nhiệm truyền dạy lại kiến thức cho thế hệ đi sau. Với mong muốn nối tiếp đồ án cá nhân, cũng là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những vấn đề về rừng ngập mặn, dù nhỏ bé”, Chiron Dương tâm sự.
Có thể nói không gian triển lãm “Đêm trong rừng ngập mặn”, khi được nghệ thuật hóa từ đồ án tốt nghiệp đã phối hợp nhịp nhàng yếu tố cảnh quan và nghệ thuật. Không gian trưng bày gồm 6 chủ đề nối tiếp nhau trong một đồ thị hình sin, những đường chuyển uốn lượn đưa người xem đi qua đời cây, đến những biến cố môi trường bị con người hủy hoại, hiện lên rực rỡ dưới hình hài của các vị thần phương Đông.
Bàn tay sắp đặt của tác giả được thể hiện rất rõ trong những bức ảnh. Anh tạo nên một bàn chơi ô ăn quan, đặt con tôm và cây đước vào 2 ô quan. Trò chơi này kết thúc khi con tôm thế chỗ cây đước, như cách những hồ nuôi tôm nhân tạo đã tước đi không gian sống của rừng ngập mặn.
Các tác phẩm của Chiron Dương đều được lồng ghép nhiều lớp ẩn dụ dày đặc. Dù nhiếp ảnh gia nhận rằng triển lãm thiên về giáo dục tầm quan trọng của rừng ngập mặn, không khó để thấy sự tinh tế của anh khi lắp ghép đời sống con người và cây cối.
Tác giả mở ra triển lãm bằng một câu thơ lặp đi lặp lại: Khi tôi là một cái cây ngập mặn/ Tóc tôi sẽ là những tán lá/Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Chân tôi sẽ là những rễ cây/Khi tôi là một cái cây ngập mặn/Điều kỳ diệu diễn ra bên trong cơ thể...