LGFV là các thực thể kết hợp cả công và tư, được tạo ra để khắc phục những hạn chế về vay nợ của chính quyền địa phương tại Trung Quốc và đã phát triển nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng trả nợ LGFV của chính quyền địa phương, vì doanh thu từ việc bán đất của họ bị sụt giảm do thị trường bất động sản sụt giảm, mặc dù nhiều địa phương vẫn tiếp tục vay để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Logan Wright - đối tác kiêm giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại công ty phân tích dữ liệu Rhodium Group có trụ sở tại Mỹ - cho biết, kế hoạch mà Caixin mô tả là “một bước đi rất sớm và nhỏ” .
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, đề xuất như vậy có khả năng tạo thêm rủi ro thị trường cho các tỉnh hoặc khu vực không nhận được hoặc chỉ nhận được hạn ngạch tái cấp vốn trái phiếu thấp.
Rhodium Group ước tính rằng, tính đến tháng 7, các khoản vay LGFV chiếm 20 đến 25% tổng số khoản vay ngân hàng ở Trung Quốc, trong khi trái phiếu LGFV chiếm 51% tổng số trái phiếu doanh nghiệp, và tín dụng LGFV chiếm khoảng 13% tổng số tài sản tài chính trên toàn hệ thống.
Hầu hết các khoản nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đều do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ và mức độ ảnh hưởng của ngành ngân hàng đối với LGFV được coi là đáng kể.
Rhodium Group cho biết thêm, bất kỳ hình thức giải quyết nợ nào cũng sẽ phải chia sẻ tổn thất trên toàn hệ thống và phần lớn tổn thất sẽ do các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng của Trung Quốc gánh chịu.
“Đây là vấn đề nan giải đối với Bắc Kinh. Đầu tư của chính quyền địa phương vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng đầu tư và có khả năng chiếm khoảng 14 đến 15% tổng sản phẩm quốc nội hiện nay. Vì vậy, để đầu tư của chính quyền địa phương chậm lại quá nhiều rõ ràng sẽ có tác động đến tăng trưởng”, ông Wright nói.
“Họ cần quản lý cả số nợ hiện tại và [thiết lập] một cơ chế bền vững hơn để tài trợ cho đầu tư địa phương trong tương lai”, ông Wright nói thêm.
Nhiều địa phương tại Trung Quốc vẫn tiếp tục vay vốn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: EPA-EFE
Theo SCMP, trong giai đoạn 2015-2018, sau khi được Bắc Kinh chấp thuận, các chính quyền địa phương đã phát hành trái phiếu trị giá khoảng 12 nghìn tỷ CNY (1.646 tỷ USD) để hoán đổi nợ xấu ngoại bảng (là những khoản nợ xấu đã được sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý được theo dõi ngoại bảng để tiếp tục áp dụng các biện pháp thu hồi; việc thu hồi được các khoản nợ này sẽ làm tăng lợi nhuận bất thường của các tổ chức tín dụng).
Nhưng khoản nợ LGFV lại sớm chồng chất và trong một báo cáo công bố vào tháng 2, IMF ước tính rằng, tổng nợ LGFV của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 66 nghìn tỷ CNY (9 nghìn tỷ USD) trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với con số 30,7 nghìn tỷ CNY được báo cáo vào năm 2017.
Một số cố vấn chính sách cho Bắc Kinh, trong đó có Liu Shangxi, người đứng đầu Học viện Tài chính Trung Quốc đã kêu gọi chính quyền trung ương cải cách vai trò của mình cũng như vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ phát triển bền vững.
Ông Liu nói với tờ báo nhà nước Economic Observer vào tháng 7 rằng: “Khuôn khổ cơ bản của mối quan hệ chính quyền trung ương và địa phương hiện tại của chúng ta [Trung Quốc] là di sản từ quá khứ và nó không phù hợp với xã hội năng động hiện tại.”
Ông Liu mô tả những cải cách này là “khẩn cấp” và cho biết, chính quyền trung ương nên đảm nhận một số trách nhiệm phát triển kinh tế từ chính quyền địa phương.
Ông Liu nói: “Cấp chính quyền địa phương càng thấp thì khả năng phối hợp với chính sách kinh tế xuyên khu vực càng thấp. Với sự cải thiện về phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, quyền hạn và trách nhiệm chi tiêu cũng cần được nâng cao; nếu không, chi phí quản trị sẽ tăng theo cấp số nhân.”