IS sau đó nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom. Tuy nhiên, Iran cáo buộc nhóm này phối hợp với Israel để hành động, vì thế Tehran tấn công vào các cơ sở được cho là của lực lượng này ở miền bắc Syria và thủ phủ Erbil của người Kurd ở Iraq.
Tháng trước, Jaish al-Adl cũng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đồn cảnh sát ở thị trấn Rask của Iran ở Sistan-Baluchestan, khiến 11 nhân viên an ninh Iran thiệt mạng.
“Nếu bạn nhìn vào hàng loạt vụ việc, những điều này khiến Iran bị cho là yếu kém về thông tin tình báo và thiếu ý chí hành động. Vì vậy, Tehran có thể nghĩ rằng nếu tình trạng này tiếp diễn, uy tín của họ sẽ bị đe dọa”, ông Azizi nhận định.
“Và đó là lý do tại sao họ quyết định đáp trả ngay lập tức”, ông nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Iran muốn thể hiện sức mạnh trên nhiều mặt trận cùng lúc, nhưng không nên gắn các sự kiện dọc biên giới Pakistan với cuộc xung đột tiếp diễn ở Dải Gaza.
Dù cả Pakistan và Iran thường xuyên cáo buộc nhau cho phép các nhóm vũ trang xâm nhập vào lãnh thổ, thậm chí từng nã súng cối vào nhau năm 2014, hai nước vẫn có hợp tác quân sự và ngoại giao trong nhiều năm nay.
Cùng ngày Iran tấn công Pakistan, hai nước triển khai các hoạt động hải quân chung ở eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư. Chỉ vài giờ trước cuộc tấn công của Iran, Bộ Ngoại giao nước này đăng hình ảnh Ngoại trưởng Hossein Amirabdollahian bắt tay Thủ tướng tạm quyền Pakistan Anwaar ul-Haq Kakar bên lề hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos.
Những điều đó dẫn đến suy đoán rằng các cuộc tấn công có thể đã được sắp xếp trước, thậm chí có sự phối hợp giữa Iran và Pakistan.
Abdolrasool Divsallar, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, cho rằng Iran và Pakistan cần lẫn nhau. “Dù Pakistan đáp trả nhưng tôi đoán rằng sự leo thang sẽ ở mức hạn chế”, ông nói.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, cuộc tấn công của Iran là để gửi thông điệp rõ ràng tới Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là Israel, đồng thời nhằm xoa dịu dư luận trong nước.