Thầy giáo Phạm Văn Công. Ảnh: NVCC. |
Với những gì phân tích trên đây, liệu có nên tồn tại các mô hình dạy “liên kết” trong các trường công lập hiện nay hay không? Vậy làm thế nào để các gia đình có điều kiện, nguyện vọng tham gia học các tiết “liên kết”, đặc biệt là chương trình học Tiếng Anh với người nước ngoài hiện nay? Các nhà trường và các trung tâm có thể tham khảo hai hình thức dưới đây.
Thứ nhất, vẫn để các trung tâm dạy tại trường và cho học sinh tự nguyện đăng kí bằng cách bỏ phiếu kín. Điều này để tránh gây áp lực theo kiểu tự nguyện bắt buộc. Căn cứ vào số lượng học sinh tham gia đăng kí, nhà trường sẽ phân lớp, không để học sinh không đăng kí học chung với học sinh đăng kí.
Như vậy với những lớp học sinh đăng kí tham gia học, nhà trường hoàn toàn có thể chèn thời khoá biểu các tiết “liên kết” vào các tiết dạy chính khoá mà không bị ảnh hưởng đến các em khác.
Với cách làm này, các trường nên chọn các hình thức tham gia các môn tự chọn để học sinh không đăng kí học “liên kết” sẽ đăng kí học tại trường với giá 2.500 đồng/tiết.
Hiện nay, nhiều trường chỉ cho học sinh học đến 15h30 phút. Nếu tan học lúc đó thì quá sớm để phụ huynh đón con, các phụ huynh vẫn phải nộp thêm tiền đón chậm khi phải nhờ giáo viên trông thêm tiết 4 mỗi buổi chiều.
Thay vào đó các trường nên cho học sinh đăng kí học các tiết kĩ năng sống theo sách của Bộ GD&ĐT ban hành giống như Chương trình 2006 hay Sách Giáo dục STEM của Bộ GD&ĐT hiện nay.
Rất mong Bộ GD&ĐT sớm có ý kiến về việc giáo viên cứ phải thông qua các trung tâm thì mới được dạy thêm. Nhà trường mới hiểu rõ nhất những giáo viên nào có thể được dạy thêm vì nắm được khả năng, sở trường của giáo viên tốt nhất.
Thứ hai, các trung tâm có thể dạy bên ngoài nhà trường (hoặc có thể trong trường, nếu có đủ cơ sở vật chất) và nhờ các trường tuyên truyền học sinh tham gia đăng kí học.
Khi đó, học sinh có thể lựa chọn các gói học mà không phân biệt trình độ. Học sinh lớp 2 có thể đăng kí học cùng học sinh lớp 5 và ngược lại tuỳ theo khả năng của học sinh và phụ huynh lựa chọn. Các trung tâm trên cơ sở đó phân lớp với gói giá dịch vụ khác nhau.
Các phụ huynh nhà có điều kiện, các học sinh có khả năng học tập sẽ rất thích mô hình này.
Quan trọng vẫn là chất lượng, nếu kiểm tra đánh giá một cách công bằng khách quan mà chất lượng của những học sinh học “liên kết” vượt xa so với những học sinh không tham gia đăng kí thì đó là một thành công lớn của các trung tâm. Làm được điều đó sẽ giúp phụ huynh xua tan những mặc cảm về mô hình “liên kết” trong các trường hiện nay, uy tín của các trung tâm sẽ được nâng lên một cách đáng kể.