PV: Được biết, ngành Tôn giáo học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành Tôn giáo học có thể làm tốt những công việc như thế nào?
TS. Dương Hoàng Lộc: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học có thể đảm nhận tốt các công việc sau đây: Giảng viên giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến tôn giáo; Cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại các viện, trung tâm, NGOs; Cán bộ chuyên trách tôn giáo ở các cấp chính quyền; Phóng viên, biên tập viên về tôn giáo cho các báo, đài, tạp chí, nhà xuất bản; Công tác tại các đơn vị công ty du lịch và có thể tiếp tục theo học các chương trình đào tạo cao hơn về tôn giáo ở trong nước và nước ngoài…Hiện nay, có khá nhiều học bổng nghiên cứu sau đại học về tôn giáo học ở các nền học thuật tiên tiến trên thế giới.
Ngành học dành cho các bạn trẻ đam mê, yêu mến truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa tâm linh
Sinh viên ngành Tôn giáo học tham gia hội thảo khoa học. |
PV: Để theo học ngành, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa thầy?
TS. Dương Hoàng Lộc: Để theo học ngành Tôn giáo học, các bạn cần có tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần phục vụ cộng đồng xã hội, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có năng lực tự học, tự nghiên cứu... Nhưng theo tôi, hơn hết vẫn là niềm đam mê, lòng yêu mến về truyền thống văn hóa dân tộc, nhất là giá trị văn hóa tâm linh tạo ra những ứng xử đạo đức, lối sống nhân văn của con người Việt Nam. Các bạn cũng cần là người có ý tưởng vận dụng các vấn đề lý thuyết vào thực tiễn vì chương trình rất khuyến khích khả năng ứng dụng, sáng tạo của người học.
PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?
TS. Dương Hoàng Lộc: Sinh viên theo ngành Tôn giáo học cần trau dồi nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan.
Về kiến thức, các em thường xuyên trau dồi hệ thống kiến thức cơ bản, có tính hệ thống liên ngành và chuyên sâu về tôn giáo và tín ngưỡng, đặc biệt là tôn giáo và tín ngưỡng ở Nam bộ và Tây Nguyên với kiến thức thực tế vững vàng.
Về kỹ năng, sinh viên tăng cường kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu, vận động, tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về dân tộc - tôn giáo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường liên ngành, đa văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo.
PV: Xin thầy cho lời khuyên đối với các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành học này để thực hiện đam mê và thành công.
TS. Dương Hoàng Lộc: Ngành Tôn giáo học sẽ là ngôi nhà của những bạn trẻ có ý thức hòa nhập cộng đồng, nhiệt huyết phụng sự xã hội và đất nước, tinh thần phấn đấu vươn lên trong nghề nghiệp, thường xuyên thực hiện việc tự bồi dưỡng kiến thức và năng lực của bản thân, nhất là sự chân thực, khách quan, thận trọng và khoan dung trong nhận định, đánh giá, giải quyết vấn đề tôn giáo.
Trân trọng cảm ơn thầy!