Tôn trọng quyền lựa chọn

10/01/2024, 06:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chương trình GDPT 2018 triển khai đầu tiên với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

Năm đầu thực hiện, việc lựa chọn sách giáo khoa mới được thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 (Thông tư 01). Căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư 01 là Nghị quyết số 88/2014/QH13, với quy định “các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”. Do đó, Thông tư 01 giao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường.

Bước sang năm thứ 2 thực hiện chương trình mới, quy định về lựa chọn SGK thay đổi với sự ra đời của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 (Thông tư 25) nhằm thực hiện quy định trong Luật Giáo dục 2019 (hiệu lực thi hành từ 1/7/2020). Quyền quyết sách giáo khoa nào sử dụng trong các nhà trường thuộc về UBND cấp tỉnh.

Sau 3 năm thực hiện Thông tư 25, về cơ bản việc lựa chọn sách giáo khoa được đánh giá công khai, minh bạch, đúng pháp luật, quy trình chặt chẽ. UBND các tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện, kế hoạch và tiêu chí lựa chọn, thành lập hội đồng, quyết định ban hành danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh một số tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023, quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại Thông tư 25 chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương; tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

Thời gian lựa chọn ngắn, số bản mẫu nhiều (nhất là ở cấp tiểu học) nên giáo viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, đề xuất lựa chọn. Không ít tỉnh chậm phê duyệt kết quả lựa chọn... Từ đó, Nghị quyết 686 đề nghị sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục.

Ngày 28/12/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 27) thay thế Thông tư 25. Điểm mới cơ bản của Thông tư 27 là quay trở lại trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường. Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu nhà trường chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của Hội đồng; chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục…

Dù vậy, Thông tư 27 vẫn bảo đảm tuân thủ Luật Giáo dục khi yêu cầu “Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục do sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn”. Quy định mới được áp dụng để lựa chọn sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025.

Như đã biết, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, chỉ quy định về nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra). Giáo viên được giao quyền chủ động trong việc lựa chọn các loại học liệu phù hợp để tổ chức dạy học. Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh như Thông tư 27 được cho là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy định mới, vì vậy nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, nhà giáo; bởi hơn ai hết, giáo viên là người hiểu rõ nhất sự phù hợp của từng sách giáo khoa với học trò của mình và điều kiện nhà trường. Từ đó, sách giáo khoa được chọn sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu, mong muốn của người dạy, học - hai chủ thể trực tiếp sử dụng sách.

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn từ phía nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên. Theo đó, thầy cô cần dành thời gian thích đáng để nghiên cứu nghiêm túc, từ đó chọn được bộ sách phù hợp nhất. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tôn trọng quyền lựa chọn